Báo động ô nhiễm 

Sáng nay (30/9), tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng tại Hà Nội, chỉ số AQI đã chạm mốc 224 ở thời điểm 10 giờ sáng (theo số liệu của trang Airvisual), lúc 6 giờ sáng, chỉ số AQI là 289.

Trước đó trong nhiều ngày qua, Hà Nội thường xuyên đứng vị trí số 1 trong top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi chỉ số AQI luôn mở mức xấp xỉ 200. Ô nhiễm không khí đã trở thành điều người dân sống tại thủ đô lo ngại nhất. Nhiều người đổ xô đi mua máy lọc không khí, nhà có con nhỏ thì lo lắng trẻ bị viêm mũi họng.

Thay vì Hà Nội trong trẻo mùa thu, người dân Hà Nội đang đau đầu tìm cách chống lại ô nhiễm không khí. 

Theo PGS TS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang báo động. Ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân đặc biệt là phụ nữ có thai, người già, trẻ em, những người bị bệnh lý hô hấp mãn tính.

Bác sĩ Giáp cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WTO) nhiều lần lên tiếng cảnh báo ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội sáng 30/9 do người dân tự đo chụp

Các nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Không chỉ có ung thư phổi, ô nhiễm không khí còn gây ra các bệnh khác như tim mạch. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra 43% ca tử vong do các bệnh lý hô hấp gây ra. Ô nhiễm không khí thực sự trở thành vấn đề đáng báo động.

Tổ chức y tế thế giới nhiều lần đưa ra khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai.

Tại Hà Nội, các chuyên gia môi trường cũng cảnh báo ô nhiễm không khí chủ yếu ở dạng bụi mịn. Các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, không thể nhìn thấy cũng không cảm nhận được rõ ràng. Dạng bụi này mới độc và gây hại cho sức khoẻ.

Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.

Những người khỏe mạnh tiếp xúc nhiều trong môi trường không khí bị ô nhiễm như hiện nay có thể bị nghẹt mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản. Nếu phải tiếp xúc với môi trường không khí kém trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến phổi, tim mạch.

Làm gì khi không khí ô nhiễm?

Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt viêm hô hấp cấp. PGS Giáp khuyến cáo những người có bệnh lý về hô hấp những ngày ô nhiễm nên hạn chế ra ngoài đườn, đặc biệt vào các giờ cao điểm từ chiều hôm trước tới sáng ngày hôm sau.

"Với người dân thủ đô, khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn. Khẩu trang lọc được bụi mịn là khẩu trang chuyên dụng còn các loại khẩu trang vải, khẩu trang y tế không lọc được bụi mịn", PGS Giáp thông tin.

Chuyên gia khuyến cáo không nên đi ra ngoài đường nhiều vào lúc ô nhiễm nhất - Ảnh minh họa: Internet

Còn những bệnh nhân bị hen, viêm phổi, phổi tắc nghiẽn mạn tính cần tuân thủ thuốc điều trị của bác sĩ, không nên bỏ thuốc. Khi có các dấu hiệu bất thường nên đến ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Hiện nay, các chuyên gia hô hấp khuyến cáo nên sử dụng những loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH), có ký hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn chuẩn châu Âu có ký hiệu FFP2. Nếu dùng đúng cách, đúng loại chuẩn thì có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước chỉ 0,3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus.

Khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus nếu bẩn thì bỏ đi và không được giặt vì giặt đi làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa.