Nuôi dạy con theo phương pháp “nhập khẩu” từ nước ngoài: Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ đừng chạy theo trào lưu mà hại trẻ!
Hậu quả nếu biến con thành “con rối” giáo dục
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Võ Thị Minh Huệ, Phòng khám Nhi đồng Thành phố nhận định các bố mẹ trẻ hiện nay chủ động tìm kiếm tài liệu phương pháp nuôi con xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau là điều đáng hoan nghênh.
Lý do bởi nhiều người đã nhận thấy nếu giáo dục bao bọc, áp đặt theo phương pháp truyền thống thì con trẻ sẽ khó thích nghi với nhịp sống hiện đại.
“Đặc biệt là các gia đình có nhu cầu cho con đi du học hoặc cha mẹ đã từng làm việc với người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài – nơi đòi hỏi rất cao sự năng động tự lập, ngoại ngữ, họ càng nhận thức rõ những khó khăn trẻ sẽ gặp phải nếu không có phương pháp nuôi dạy tốt ngay từ đầu.
Hơn nữa, sự can thiệp của ông bà nội ngoại khi nuôi cháu cũng làm cho bố mẹ trẻ cảm thấy cần một phương pháp thuyết phục để khẳng định quyền được làm bố mẹ của mình. Họ muốn con mình được hưởng một sự giáo dục tiên tiến.
Cho nên, những ông bố bà mẹ trẻ muốn có sự thay đổi, coi việc nuôi dạy con như một kênh đầu tư quan trọng để con trở thành những đứa trẻ thành công và hạnh phúc nhất”, Thạc sĩ Võ Thị Minh Huệ phân tích.
Theo Thạc sĩ Minh Huệ, điều khó khăn là hiện nay, có nhiều cuốn sách, các hội thảo giới thiệu về các phương pháp nuôi dạy con từ các trường phái khác nhau. Mỗi phương pháp đều có những ưu thế riêng và tính tiến bộ của nó. Tuy nhiên, phụ huynh dễ bị cuốn vào những trào lưu nuôi con trên mạng, cảm thấy hoang mang không biết nên chọn giáo dục con theo trường phái nào.
“Sai lầm thường gặp nhất là sự thay đổi, chuyển hết phương pháp này sang phương pháp khác làm đứa trẻ hoang mang và trở thành “con rối” của bố mẹ.
Chưa kể sự khác biệt trong quan điểm giáo dục có thể gây nên những mâu thuẫn giữa vợ chồng, ông bà nội ngoại. Vì thế, theo tôi, các bậc cha mẹ cần hiểu rõ và bình tĩnh lựa chọn một phương pháp giáo dục phù hợp với con, với gia đình và với chính mình.
Không giáo dục nửa vời và không quá kỳ vọng vào những lý thuyết mình được học, quan trọng là nhất là sự hợp tác của con để đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”, Thạc sĩ Minh Huệ nhấn mạnh.
Giáo dục sớm – đừng ngộ nhận!
Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện IPD - Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, việc các bà mẹ quan tâm đến giáo dục sớm, nuôi dạy con theo phương pháp nào là tốt khi cuộc sống hiện đại đòi hỏi đứa trẻ năng động hơn rất nhiều so với xưa kia.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là không phải ai cũng hiểu đúng về giáo dục sớm để thực hiện đúng. Thậm chí đôi khi giáo dục sớm bị cha mẹ ngộ nhận là phương pháp giúp trẻ biết đọc sớm, đây là hiểu lầm tai hại.
“Giáo dục sớm tác động ở 3 giai đoạn quan trọng là thai nhi, sơ sinh đến 3 tuổi; trên 3 tuổi đến 6 tuổi. Từ bào thai đến khi trẻ 3 tuổi là giai đoạn phát triển tế bào não, đặc biệt là bán cầu não phải – thiên về khả năng tiếp nhận thông tin với tốc độ cao, khả năng sáng tạo, cảm thụ âm nhạc, hội họa. Trẻ tiếp nhận thông tin, học hỏi bằng cách “chụp hình”, ghi nhớ nhanh, “nén” lại ở bán cầu não phải như một bộ nhớ.
Từ sự tiếp nhận thông tin đó, đến một giai đoạn nhất định, các tiềm năng của con người về thể lực, trí tuệ, ngôn ngữ…sẽ được khai mở.
Từ 3 đến 6 tuổi mới bắt đầu chuyển tiếp qua não trái – thiên về tư duy logic, lý trí. Mục đích của giáo dục sớm trong giai đoạn 0 – 3 tuổi là kích hoạt phát triển não bộ, chủ yếu là phát triển bán cầu não phải.
Nếu giai đoạn vàng này bị bỏ rơi, cha mẹ chỉ chú trọng việc ăn uống mà không giáo dục, bồi đắp phát triển tâm hồn cho trẻ thì bỏ mất cơ hội kích thích phát triển của não phải ở giai đoạn ấu thơ, đó là một sự lãng phí lớn.
Ngược lại, nếu giáo dục sớm bị hiểu lầm, hoặc thực hiện nửa vời, cóp nhặt hoặc áp dụng thái quá sẽ gây ra hậu quả phát triển lệch lạc, rối loạn cho đứa trẻ, khiến cho phụ huynh hiểu sai về mục đích của giáo dục sớm.
Các bà mẹ nên nhớ mỗi phương pháp giáo dục chỉ có tác dụng trong từng phân khúc, giai đoạn phát triển của trẻ, không nên máy móc vận dụng chỉ một phương pháp mà gây hại cho trẻ. Giáo dục là một hành trình rất cần sự kiên trì, hiểu biết của cha mẹ, không thể có chuyện như phép màu biến đứa trẻ thành thiên tài trong một sớm một chiều”, nhà giáo Kỳ Anh khuyến cáo.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm
Cây khế là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình cao. Cây trưởng thành nên được bón phân...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...