Nhà tâm lý học y khoa Jack Kornfield đã từng đưa ra định nghĩa: Tha thứ cụ thể là khả năng buông bỏ, giải phóng những đau khổ, nỗi buồn, gánh nặng và sự phản bội xảy ra trong quá khứ. 

Thay vào đó, lựa chọn theo đuổi những điều kỳ diệu của tình yêu. Biết tha thứ chuyển đổi chúng ta từ một "cái tôi" tách biệt sang khả năng thay đổi, buông bỏ và sống trong tình yêu thương thực sự. Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại cảm thấy rất khó khi làm như vậy?

Đó là vì...

1. Chúng ta nhớ những sự việc lâu, rất lâu
Theo nhà vật lý và kỹ sư phần mềm Frank Heile, tha thứ là một điều khó khăn bởi vì ý thức của con người luôn nhớ về khoảng thời gian bị tổn thương đó. 

 
Heile chia sẻ, ngôn ngữ gắn liền với ý thức con người và được sử dụng như một cỗ máy thời gian để giúp chúng ta lưu giữ và lục lại những ký ức. 

Ngồi thiền được xem là một cách để loại bỏ những điều khiến bạn cảm thấy nặng nề, nhưng ngôn ngữ thì ngược lại, dường như nó làm con người rối trí hơn. 

Khi suy nghĩ về một chuyện trong quá khứ hoặc những lời nói, hành động của ai đó làm bạn cảm thấy bị tổn thương thì có nghĩa là bạn vẫn bị mắc kẹt trong những khoảnh khắc ấy.

Bạn càng suy nghĩ nhiều về quá khứ thì càng bị mắc kẹt nên không thể thoát ra hay tha thứ cho người đã làm mình tổn thương.

2. Sự giận dữ khiến bạn thiếu kiểm soát
Khi tức giận, cảm xúc được đẩy lên cao thì sự tha thứ bị lu mờ trong tâm trí của bạn. 

 
Có thể bạn nghĩ rằng, trong trường hợp của mình, giận dữ chẳng có gì là sai cả. Nhưng thực tế, sự giận dữ chỉ là một cách sai trái để biện minh cho việc bạn từ chối tiếp cận vấn đề một cách trực tiếp. 

Theo Psychology Magazine, rất nhiều những cảm xúc của con người làm họ xao lãng đi vấn đề thực tế đang diễn ra. 

Vì thế, để hoàn thiện bản thân, bạn không nên có những quan điểm hoàn toàn thiên về cảm xúc hay hoàn toàn thiên về lý trí. 

Sự tha thứ đến từ sự thấu hiểu và thông cảm. Nếu bạn chỉ vin vào lý do mà mình tự cho là đúng thì bạn sẽ chỉ nhìn thấy điều bản thân muốn mà không thấy được phương diện khác cũng như không hiểu được lý do thực sự của sự việc.

3. Bạn sợ bị tổn thương lần nữa
Có lẽ vì sợ bản thân lại bị tổn thương mà bạn đóng cửa chính mình, không cho người khác có cơ hội nhận được sự tha thứ từ bạn.

 
Thực tế, trong quá trình phát triển, con người tự hình thành một cơ chế phòng vệ để tự bảo vệ mình khỏi những nguy cơ bị tổn thương. 

Nhà phân tâm học người Pháp - Jacques Lacan cho biết: Sự xung hấn là kết quả của sự phòng vệ tâm lý chống lại những mối đe dọa. 

Hoặc có thể ngược lại, đối với một vài người, họ sợ chính bản thân lại là người khiến người kia cảm thấy thất vọng.

4. Bạn tin người khiến bạn tổn thương đáng bị trừng phạt
Có thể bạn lựa chọn tức giận, hận thù là cách để trừng phạt, cách giúp bạn có được cảm giác kiểm soát và quyền lực sau khi bị tổn thương. 

Nhưng đôi khi, người đó còn không biết họ đã vô tình làm tổn thương bạn thì việc giận dữ, trừng phạt không hề có hiệu quả, mà lại là gánh nặng đối với bạn. 

Khổng Tử đã từng nói rằng: Trước khi bạn bắt đầu hành trình trả thù, hãy đào hai ngôi mộ.

5. Bạn cảm thấy khó tin tưởng lại
Bạn có thể cảm thấy khó tha thứ cho ai đó nếu bạn cảm thấy không bao giờ được họ lắng nghe và thấu hiểu. 

 
Bạn sẽ nghĩ rằng: Sau mọi chuyện, tại sao bạn lại nên tha thứ cho người đó trong khi họ đối xử không tốt với bạn. 

Nhưng việc cứ để suy nghĩ đó trong đầu chỉ khiến cho cả hai bên trở nên xa cách nhau, trốn tránh nhau hơn mà thôi. Sự thật là, những vấn đề vẫn còn tồn tại ở đó mà không được giải quyết rõ ràng.

Nhà văn Frederick Buechner đã từng viết: Khi tha thứ cho một người mà đã gây ra lỗi lầm cho bạn thì bạn đã loại bỏ được sự gặm nhấm của cay đắng và đau khổ. 

Với cả hai bên, tha thứ nghĩa là tự do một lần nữa để có sự yên bình ngay cả trong tâm hồn và vui vẻ với sự hiện diện của người khác.