Tư thế ngủ vô cùng quan trọng quyết định giấc ngủ ngon của mẹ trong giai đoạn mang thai. Giấc ngủ sâu giúp mẹ khoẻ mạnh, đẩy lùi mệt mỏi để thai nhi phát triển vượt trội trong 9 tháng mang thai.

Mỗi giai đoạn thai kỳ sẽ có những đặc trưng riêng cũng như bụng bầu sẽ ngày càng lớn, gây áp lực lên lưng, xương chậu, chân khiến phụ nữ luôn cảm thấy nặng nề, đau nhức nên khó đi vào giấc ngủ.

Một trong những khó khăn của bà bầu là bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc - Ảnh minh họa: Internet

Vậy với các mẹ bầu, tư thế ngủ như thế nào để vừa thoải mái, vừa an toàn cho thai nhi?

Tư thế ngủ cho bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, cơ thể chị em luôn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ do có sự gia tăng liên tục hormone progesterone trong cơ thể. Đồng thời, nó cũng khiến cho bà bầu có các triệu chứng đau ngực, đầy bụng, táo bón, đi tiểu nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của bà bầu.

Vì vậy, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều và ngủ mỗi lúc có thể. Khi mới có thai, bụng mẹ bầu còn nhỏ, lực tác động lên cơ thể chưa đáng kể nên chị em có thể ngủ tùy ý để cơ thể cảm thấy thoải mái.

Tuy nhiên, mẹ bầu nào có thói quen nằm sấp hoặc ôm gối ngủ thì nên thay đổi. Những tư thế này vừa ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, vừa không an toàn cho sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn đầu tiên.

Tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu ba tháng đầu thai kỳ là ngủ nghiêng về bên trái để đảm bảo lưu thông máu. Nếu cảm thấy không thoải mái, bạn có thể đặt thêm một chiếc gối dưới bụng.

Tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu ba tháng đầu là nằm nghiêng sang trái - Ảnh minh họa: Internet

Lưu ý các mẹ bầu nên đi ngủ sớm, tránh làm việc khuya sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và bé, cũng như tạo nhịp sinh hoạt cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tránh uống nước nhiều trước khi đi ngủ để hạn chế đi vệ sinh, làm gián đoạn giấc ngủ khuya.

Ngoài việc chú ý đến tư thế nằm ngủ khi mang thai, bà bầu cũng cần chú ý không nên nằm giường cứng, kê, gối đầu quá cao và đặc biệt khi ngủ nên mắc màn để phòng tránh bị muỗi đốt mang theo dịch bệnh.

Tư thế ngủ cho bà bầu ba tháng giữa

Bước vào tam cá nguyệt thứ hai, cảm giác mệt mỏi đã phần nào giảm đi. Tuy nhiên, cơ thể vẫn có những biến đổi khiến cho mẹ bầu cảm thấy khó ngủ.

Giai đoạn này, mẹ sẽ cảm nhận được những di chuyển đầu tiên của con, hay còn gọi là hiện tượng thai máy. Bụng mẹ lúc này cũng đã “lấp ló” nên mẹ cần chọn cho mình những bộ trang phục rộng rãi, thoải mái, tránh chèn ép bụng.

Do bụng ngày càng lớn, mẹ sẽ gặp tình trạng khó thở, hơi thở ngắn cũng như xuất hiện chứng ợ nóng khó chịu.

Mẹ bầu có thể sử dụng gối dành riêng cho bà bầu để hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn - Ảnh minh họa: Internet

Lúc này, khi đi ngủ mẹ bầu nên ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên trái, đầu gối cao để giữ cho axit dạ dày không trào ngược lên cổ. Đây là tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu giúp chị em ngủ ngon và sâu hơn.

Nếu mẹ vẫn chưa quen với việc nằm nghiêng, có thể kê thêm gối nhỏ sau lưng hoặc sử dụng loại gối kê dành riêng cho bà bầu được bày bán ở chợ hoặc siêu thị.

Để giảm được áp lực của tư thế nằm lên phần xương chậu của bà bầu thì nên đặt thêm một chiếc gối ở giữa 2 chân để giữ được một khoảng cách nhất định

Tư thế ngủ cho bà bầu ba tháng cuối

Đây là giai đoạn khó ngủ nhất với bà bầu, lúc này thai nhi trong bụng chuyển động thường xuyên hơn cộng thêm cân nặng tăng nhanh, tần suất đi tiểu đêm nhiều làm cho mẹ bầu hầu như mất ngủ.

Có những mẹ bầu bị chuột rút, căng cơ gây đau đớn hoặc do tâm lý căng thẳng trước ngày lâm bồn cũng là lý do khiến mẹ bầu khó ngủ.

Tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu là nằm nghiêng bên trái, chân phải gấp, chân trái duỗi thẳng - Ảnh minh họa: Internet

Với các mẹ bầu trong tình trạng này nên áp dụng tư thế ngủ nghiêng sang trái, đồng thời chân phải gấp lại và chân trái duỗi ra để lưu thông máu cho thai nhi, tử cung và thận của bạn. Ngoài ra, bạn hãy trang bị cho mình thêm một chiếc gối ôm để giúp ngủ tốt hơn.

Nếu bạn bị chuột rút, hãy duỗi thẳng chân và uốn cong bàn chân sẽ giúp bạn giảm đau và ngủ tốt hơn.

Muốn có giấc ngủ ngon, mẹ nên thư giãn tâm trí sau một ngày làm việc mệt mỏi bằng cách nghe nhạc, đọc sách trước khi ngủ, việc này sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon hơn mà còn kích thích sự phát triển não bộ của thai nhi.

Bà bầu không nên nằm ngủ ở tư thế nào?

Dù làm gì đi chăng nữa thì trong giai đoạn mang thai, an toàn của thai nhi vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Một số tư thế ngủ không tốt cho sức khoẻ bà bầu cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi:

Nằm ngửa

Ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, mẹ vẫn có thể nằm ngửa khi ngủ, tuy nhiên đến tuần thứ sáu mẹ nên tập ngủ nghiêng về bên trái. Nằm ngửa khiến mẹ đối mặt với nguy cơ mắc trĩ và đau nhức các khớp, làm tình trạng phù nề thêm trầm trọng.

Nguy hiểm hơn, nằm ngửa đồng nghĩa với việc giảm lượng máu và oxy cung cấp cho thai nhi, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng và sự phát triển của bé.

Nằm sấp

Bà bầu không nên nằm sấp gây chèn ép lên thành bụng, ảnh hưởng thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Đây cũng là tư thế mẹ bầu tuyệt đối không được nằm khi ngủ. Khi nằm sấp, các tĩnh mạch sẽ bị nén gây cản trở lượng máu về tim. Điều này khiến cho mẹ bầu cảm thấy khó chịu, buồn nôn, chóng mặt, hạ huyết áp.

Đồng thời, lượng máu lưu thông đến tử cung và thai nhi cũng giảm theo, đe doạ đến tính mạng của em bé trong bụng.

Nằm nghiêng phải

Nếu nằm ngủ nghiêng sang trái giúp lưu thông máu dễ dàng, thai nhi không bị thiếu oxy thì nằm nghiêng sang phải lại không có lợi cho mẹ và thai nhi.

Ở những tháng cuối thai kỳ, thai nhi có xu hướng quay về phía bên phải, nếu mẹ nằm nghiêng sang phải sẽ làm tử cung nghiêng sang phải nhiều hơn, gây vặn xoắn mạch máu trong tử cung, chèn ép mạch máu ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và thai nhi.

Nằm gục trên bàn

Khi làm việc mệt mỏi và tranh thủ trong giờ nghỉ trưa nên nhiều chị em có thói quen nằm gục xuống bàn để chợp mắt một chút. Tuy nhiên ít người biết rằng, tư thế ngủ này sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Bụng bầu càng lớn thì mẹ bầu cần phải càng chú ý tư thế ngủ để an toàn cho bé - Ảnh minh họa: Internet

Khi mẹ nằm gục mặt xuống bàn khiến vùng bụng bị chèn ép, đồng thời lưng cong khiến hoạt động của phổi bị ảnh hưởng. Từ đó, làm cho cơ thể thiếu oxy và cơ chế thải carbon dioxide cũng bị cản trở gây áp lực cho em bé trong bụng, dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu oxy.

Điều quan trọng là chị em phải ngủ đủ giấc, thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, cần cho sự phát triển của thai nhi.

Giai đoạn mang thai là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm với phụ nữ, chị em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp chế độ luyện tập, nghỉ ngơi để cơ thể khoẻ mạnh và thai nhi phát triển vượt trội. Mong rằng những chia sẻ tư thế ngủ tốt nhất cho bà bầu ở từng giai đoạn thai kỳ sẽ giúp các mẹ thoải mái và ngủ ngon hơn, chuẩn bị chào đón bé yêu chào đời!