Những cảm giác khó chịu như đau vùng xương chậu, đau bụng dưới gặp nhiều trong độ tuổi 20-30, lớn tuổi hơn đã có sự ổn định hormone, trải qua quá trình mang thai và tiền mãn kinh, chu kì kinh nguyệt có những sự thay đổi nhất định, không còn các dấu hiệu như đau bụng dưới nhiều nữa. Hiểu rõ những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt theo tuổi tác với những thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích, các bạn sẽ có sự chuẩn bị về tâm lý và sức khỏe tốt hơn ở mỗi giai đoạn. 

Chu kì kinh nguyệt của phụ nữ thay đổi như thế nào ở từng độ tuổi

Chu kì kinh nguyệt ở độ tuổi 12-20 (Chu kì kinh nguyệt ở giai đoạn thanh thiếu niên): Thường không đều

Các bé gái có kinh nguyệt trung bình vào khoảng 12-13 tuổi. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu khách quan, nếu các bé gái có sớm hoặc muộn hơn vài năm vẫn bình thường. Độ tuổi khi có kinh nguyệt lần đầu tiên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như di truyền, chỉ số BMI, chế độ dinh dưỡng, thời tiết khí hậu, chế độ vận động,... 

Trong một vài năm đầu có kinh nguyệt, chu kì thường không đều, có bạn 20 ngày, ở bạn khác lại 2 tháng,... Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi hormone, vào thời điểm dậy thì buồng trứng vẫn chưa hoạt động ổn định dẫn đến sự rối loạn này. Sự không ổn định hormone còn mang đến những trải nghiệm về chuột rút, thay đổi cảm xúc, tức ngực... ở các bé gái. 


Chu kỳ kinh nguyệt ở con gái trung bình 28-30 ngày được coi là đều đặn

Việc có kinh nguyệt thường khiến các bé gái thấy ngại ngùng, bối rối, lạ lẫm, thậm chí thất vọng. Nó là một trải nghiệm hoàn toàn mới, đánh dấu bước ngoặt một bé gái sắp thành thiếu nữ. Điều cần làm là giữ tư tưởng thoải mái, tập thể dục thể thao, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh sử dụng các chất kích thích cũng như can thiệp của thuốc điều tiết hormone. Nhiều bạn khi thấy chu kì không đều đã lo lắng đi khám và sử dụng thuốc, việc này chưa cần thiết và không có lợi cho bạn. Hãy để cơ thể phát triển tự nhiên và tự điều chỉnh chu kì kinh nguyệt vào đường ray. 

Chu kì kinh nguyệt những năm 20 tuổi: Đi vào sự ổn định

Độ tuổi 20 được coi là thời kì hoàng kim của các bạn gái. Đây là lúc phù hợp nhất để sinh con về mặt sinh lý, khi bạn gái đạt tình trạng sức khỏe tốt và chu kì kinh nguyệt đều đặn.

Tuy nhiên với độ tuổi quá trẻ không phải ai cũng sẵn sàng có em bé do đó mọi người thường lựa chọn việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Tùy theo từng loại biện pháp tránh thai sẽ có những thay đổi tiêu cực nhất định đến chu kì kinh nguyệt, ví dụ việc đặt vòng tránh thai có thể khiến chu kì dài ngày, ra nhiều máu, rong kinh hơn so với sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp/thuốc tránh thai hàng ngày. Ngay cả thuốc tránh thai khẩn cấp có tác dụng ngăn rụng trứng cũng khiến chu kì chậm đi vài ngày. 

Trong độ tuổi từ 20-29 tuổi, chu kì kinh nguyệt nếu vẫn không đều kèm đau bụng, chảy máu nhiều, chu kì trên 5 ngày hay có các dấu hiệu bất thường, các bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân, nó có thể là một trong dấu hiệu báo của: 

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Lạc nội mạc tử cung 

- U xơ tử cung 

- Hội chứng tiền kinh nguyệt. 

- Các bệnh tuyến giáp

Thay đổi chu kì kinh nguyệt ở những năm tuổi 30


Kinh nguyệt tuổi 30 thường ổn định và không có sự thay đổi nhiều so với những năm tuổi 20

Độ tuổi 30 là thời kì chuyển giao giữa những năm 20 tuổi và những năm 40 tuổi. 

Những năm đầu chu kì kinh nguyệt vẫn đều đặn, trứng rụng bình thường, chưa có sự thay đổi nhiều so với những năm trong độ tuổi 20. Nhưng những năm cuối, rất có thể bạn sẽ bắt đầu một hành trình hoàn toàn mới: Tiền mãn kinh.

Giai đoạn tiền mãn kinh sẽ kéo dài từ 8-10 năm trước giai đoạn mãn kinh, cơ thể sản xuất ít dần estrogen và progesterone. Đến thời điểm cuối của giai đoạn tiền mãn kinh, lúc này cơ thể sản xuất estrogen mà không tạo ra progesterone, niêm mạc tử cung dầy xốp không có sự kiểm soát khiến chu kì kinh nguyệt thay đổi kèm theo sự chảy máu nhiều bất ngờ.

Hầu hết mọi người sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh khi vào độ tuổi 40, nhưng nó cũng hoàn toàn bình thường nếu bạn bắt đầu tiền mãn kinh ở những năm cuối độ tuổi 30. Do đó, nếu cảm thấy cảm xúc khó kiểm soát, hay cáu gắt, bực dọc, chu kì rối loạn, hay có bất kì điều gì bất thường nên gặp bác sĩ kiểm tra để nắm rõ tình trạng bản thân.

Một điểm đặc biệt của chu kì kinh nguyệt độ tuổi 30 chính là việc mang thai. Mang thai mang đến rất nhiều thay đổi cho cơ thể, rõ ràng nhất là việc biến mất chu kì kinh nguyệt suốt 9 tháng. Sau khi sinh, bạn sẽ có kinh nguyệt trở lại ngay lập tức hoặc chậm sau đó vài tháng. Việc xuất hiện kinh nguyệt sau sinh nhanh hay chậm phụ thuộc lớn vào việc cho con bú hoàn toàn sữa mẹ, kết hợp với sữa công thức hay sử dụng sữa công thức hoàn toàn. Bởi khi bé bú sữa mẹ, cơ thể sẽ tạo rất nhiều hóc môn prolactin, có tác dụng ngăn chặn sự hình thành estrogen và giữ cho mẹ không rụng trứng để mang thai. 

Chu kì kinh nguyệt ở độ tuổi 40: Sự thay đổi khó đoán

Chính thức bước vào giai đoạn tiền mãn kinh khiến chu kì kinh nguyệt như một trò chơi khó đoán lúc dậy thì, ngẫu nhiên và không thể đoán trước. Nếu có sự rối loạn kinh nguyệt, kèm theo các dấu hiệu dưới đây rất có thể bạn đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh:

- Âm đạo khô hơn bình thường

- Người tự nhiên thấy nóng bừng, có lúc lại ớn lạnh và đổ mồ hôi đêm

- Khó ngủ

- Thay đổi tâm trạng và cảm xúc

- Tăng cân

- Tóc mỏng và da khô

Những động tác thông thường - tập thể dục thường xuyên hơn không, ăn uống đúng cách, ngủ ngon có thể giúp cải thiện các triệu chứng trên. Một lưu ý là dù chu kì kinh nguyệt thất thường, các bạn vẫn có nguy cơ mang thai vì trứng vẫn rụng. 

Đặc điểm chu kì kinh nguyệt tuổi 50: Thời kỳ mãn kinh

Theo các chuyên gia, một người chính thức mãn kinh khi họ mất kinh liên tục trong 12 tháng liên tiếp. Ở Hoa Kỳ, độ tuổi mãn kinh trung binh là 51 tuổi. Thực tế, một số người mãn kinh hoàn toàn sớm hơn hoặc muộn hơn nhiều.


Thay đổi kinh nguyệt ở độ tuổi 50 lớn nhất là mãn kinh

Bước vào giai đoạn mãn kinh, dù không còn có kinh nguyệt nhưng các bạn vẫn sẽ chịu tác động của sự biến đổi nội tiết tố, khi vào giữa các chu kì sẽ thấy cáu kỉnh, khó chịu, căng thẳng không rõ nguyên nhân. Hầu hết mọi người đều mong đợi các triệu chứng tiền mãn kinh giảm bớt trong suốt những năm 50 khi họ sắp kết thúc ngày rụng trứng. 

Trải qua thời kỳ mãn kinh như đi tàu lượn siêu tốc về cảm xúc, không chỉ vì sự thay đổi nội tiết tố mà còn là những thay đổi lớn lao khác trong cơ thể như buồng trứng giảm hoạt động, teo dần buồng trứng,... chuyển từ giai đoạn trung niên sang tuổi già. 

Tham khảo thêm: Bí quyết giúp bạn vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh

Theo từng độ tuổi, chu kì kinh nguyệt sẽ có những thay đổi quan trọng khác nhau, hiểu và nắm rõ sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt theo tuổi tác, lắng nghe cơ thể mình nói sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe tốt, phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp, buồng trứng đa năng, ung thư, ... khắc phục rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.