Nhiều người thường có thói quen để lại các thực phẩm ăn không hết qua đêm, tuy nhiên các bác sĩ cho biết nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập gây biến đổi chất, dẫn đến ngộ độc.

Mọi món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc.

Do đó nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C. 

Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1-2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.

Hải sản

Tôm, cua, cá và các loại hản sản khác khi chế biến và để qua đêm sẽ làm thành phần protein bị biến đổi chất, gây nguy hiểm cho gan, thận.

Bạn chỉ nên chế biến một lượng thức ăn vừa đủ và dùng hết ngay trong ngày. Nếu đã mua quá nhiều, bạn có thể cho hải sản sống vào túi hoặc hộp, để trong ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông để đảm bảo độ tươi ngon. Khi cần dùng chỉ cần đem ra rã đông và chế biến. Cách này sẽ giúp giữ được độ tươi ngon của thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Trứng 

Trứng luộc lòng đào khi để qua đêm sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, nên ăn trứng ngay khi chế biến, tránh để qua đêm.

Nấm, mộc nhĩ

Các loại nấm, mộc nhĩ chứa nhiều protein phức tạp. Nếu để qua đêm và hâm nóng bằng lò vi sóng, protein bị biến chất, gây hại cho hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, nấm và mộc nhĩ dù nuôi trồng hay mọc trong tự nhiên cũng chứa nhiều nitrat. Khi để lâu, nitrat bị biến đổi sinh ra độc tố, gây khó chịu cho dạ dày.

Các chế phẩm từ đậu nành: Đậu phụ, sữa đậu nành

Sản phẩm từ đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng và protein cao. Do đó, đây cũng là loại thực phẩm dễ bị vi sinh vật xâm nhập. Ngoài ra, đậu phụ và sữa đậu nành để qua đêm đễ bị nhiễm khuẩn Clostridium botulium - một loại vi khuẩn có thể khiến con người bị liệt thần kinh dẫn tới tử vong.