Tắm tưởng như là việc đơn giản với đa số chúng ta, tắm có gì đặc biệt ngoài việc là làm sạch cơ thể? Thực tế, tắm hay gội đầu cũng cần đúng cách để mang lại sự thoải mái dễ chịu cho mỗi người đồng thời ngừa các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình tắm, gội. Với phụ nữ mang thai, việc tắm thế nào, nhiệt độ nước ra sao, nên tắm thời điểm nào quan trọng với sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Vì vậy, việc băn khoăn cách tắm an toàn khi đang mang thai được bà bầu rất quan tâm.

Tắm có thể giúp các cơ bị đau của phụ nữ mang thai thư giãn và có tác dụng xoa dịu thần kinh, giảm bớt những khó chịu khi mang thai. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể tăng quá mức khi tắm sẽ không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ và những bất thường về phát triển ở thai nhi.

1. Cách tắm an toàn với bà bầu

Sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước tắm an toàn cho phụ nữ mang thai.

 

Bà bầu cần giữ nhiệt độ cơ thể dưới 38°C. Nhiệt độ cơ thể bên trong của một phụ nữ mang thai khỏe mạnh là khoảng 37,2°C. Do đó, tốt nhất phụ nữ mang thai nên tắm với nước ấm có nhiệt độ an toàn, khoảng 37-37,8°C. Nếu muốn biết chính xác nhiệt độ của nước nên sử dụng nhiệt kế. Một số bà bầu muốn tắm nước nóng hơn thì chỉ nên tắm nước ở nhiệt độ khoảng 40°C và không được tắm quá 20 phút.

Tốt nhất là tắm dưới vòi sen, nước không nóng hơn 37,8°C để giữ nhiệt độ cơ thể. Phụ nữ mang thai nên tránh tắm bồn nước nóng, bồn tắm tạo sóng vì các rủi ro có thể xảy ra. Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu năm 2011 đã phát hiện ra rằng có nhiều nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh, chẳng hạn như chứng thiếu não, rối loạn dạ dày và nứt đốt sống nếu phụ nữ sử dụng bồn nước nóng hoặc bồn tạo sóng nhiều lần với thời gian trên 30 phút mỗi lần trong thời kỳ đầu mang thai.

Với các yếu tố nguy cơ kể trên, bà bầu nên tránh tắm nước nóng, chỉ nên tắm nước ấm khi mang thai.

2. Những rủi ro khi đi tắm ở phụ nữ mang thai

Tắm khi mang thai an toàn cho em bé khi thai phụ thực hiện tắm đúng cách, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn. Các dấu hiệu của quá nóng bao gồm cảm thấy nóng, đổ mồ hôi và da đỏ ửng. Các dấu hiệu nghiêm trọng hơn của tình trạng quá nóng là chóng mặt, buồn nôn, ngã xuống hoặc ngất xỉu. Nếu tắm nước có nhiệt độ lớn hơn 38,8°C có thể khiến nhiệt độ bên trong thai phụ tăng lên, làm giảm huyết áp, mất oxy và các chất dinh dưỡng khác của thai nhi; tăng khả năng sảy thai, yếu, chóng mặt và ngất xỉu. Khả năng xảy ra các biến chứng bẩm sinh cao hơn như dị tật ống thần kinh, đặc biệt nếu tiếp xúc thường xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ.

Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo những người mang thai không nên sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc phòng xông hơi khô, giải thích rằng việc ngâm mình trong nhiệt độ cao trong thời gian dài có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical and Molecular Teratology đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc sử dụng nhiều bồn tắm nước nóng trong thai kỳ và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh về cấu trúc, chẳng hạn như chứng loạn não hoặc liệt dạ dày, tiếp xúc trong thời kỳ đầu mang thai có thể liên quan đến các khuyết tật tim không nghiêm trọng.

Tiến sĩ chuyên ngành sản phụ khoa Hoa Kỳ Ann Kelly cũng đề cập rằng bất kỳ nhiệt độ khắc nghiệt nào, nóng hoặc lạnh quá đều có thể khiến phụ nữ bị cơn co thắt sớm dẫn đến chuyển dạ sinh non.

Vì vậy, hãy luôn giữ nước ở nhiệt độ an toàn và giải quyết bất kỳ dấu hiệu quá nhiệt nào ngay lập tức.

Khi tắm thai phụ không nên sử dụng các loại tinh dầu có mùi thơm cho bồn tắm vào lúc này ngoại trừ muối vô cơ magie sulphat. Việc ngâm mình với các loại tinh dầu có thể khiến bà bầu bị nhiễm trùng nấm men do các chất này có thể làm thay đổi sự cân bằng axit trong âm đạo.

 

Phụ nữ mang thai nên tránh tắm bồn nước nóng để an toàn cho bản thân và thai nhi.

3. Các cách tắm an toàn khi mang thai

Bà bầu chỉ cần thực hiện những biện pháp đơn giản khi tắm như:

 
  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể trong khi tắm để tránh quá nóng.
  • Giữ nhiệt độ phòng tắm ở mức vừa phải: Khi mang thai, phụ nữ không nên ngâm mình trong nước nhiệt độ hơn 38,8°C.
  • Sử dụng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ của nước trong bồn tắm
  • Không sử dụng bồn tắm nước nóng, tắm tạo sóng hoặc phòng xông hơi khô cũng như xông hơi ướt.

Khi bà bầu cảm thấy cơ thể đau mỏi và căng thẳng: có thể tắm bằng muối vô cơ magie sulphat sẽ làm dịu cơn đau nhức, chữa bệnh trĩ và giảm căng thẳng. Cho 2 cốc muối vào nước tắm ấm và hòa tan trước khi ngâm mình trong đó không quá 10 đến 15 phút.

Bơi lội cũng có thể giúp bà bầu giảm căng thẳng và thư giãn tương tự khi tắm. Tuy nhiên, hãy hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu bơi.

Nếu yêu thích việc tắm bồn khi mang thai, hạn chế ngâm bồn tắm với các chất tẩy nhiều, vì những sản phẩm này có thể làm thay đổi độ pH âm đạo của bà bầu và dẫn đến sự phát triển của nấm âm đạo.

Lưu ý không sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc phòng xông hơi khô hay xông hơi ướt

Hầu hết phụ nữ mang thai đều tắm để giảm bớt căng. Chỉ cần đảm bảo thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa bổ sung cần thiết để giữ cho bà bầu và thai nhi được an toàn và khỏe mạnh

BS. Lê Quang Dương
Phụ nữ mang thai cần chú ý cách tắm an toàn với những nguyên tắc đơn giản: Không nên tắm quá lâu; Không tắm nước nóng già mà chỉ nên dùng nước ấm; Hạn chế tắm bồn, nhất là bồn tắm sử dụng chung; Tránh trơn trượt ở nhà tắm bằng cách đi dép có ma sát và tốt nhất là sàn nhà tắm không lát gạch trơn.

4. Phụ nữ mang thai có nên tắm biển?

Bác sĩ Valinda Nwadike là bác sĩ được chứng nhận bởi Hội đồng Sản phụ khoa Hoa Kỳ cho biết: Bơi lội là một hình thức tập thể dục có tác động thấp, tốt cho xương và khớp của bạn. Khi được bao quanh bởi nước cũng có thể giúp tăng một số áp lực lên cơ thể bạn từ trọng lượng tăng thêm mà bạn đang mang trong thai kỳ. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù bơi lội thường được coi là an toàn trong thai kỳ, nhưng những phụ nữ mắc một số tình trạng y tế hoặc bị hạn chế hoạt động do các biến chứng thai kỳ không nên bơi lội hay tắm biển.

Phụ nữ mắc một số tình trạng y tế hoặc bị hạn chế hoạt động do các biến chứng thai kỳ không nên bơi lội hay tắm biển.

 

Những phụ nữ mang thai khỏe mạnh nếu tắm biển cần chú ý không tắm trong nhiệt độ lạnh, nhất là thời điểm đầu hè ở một số vùng biến phía Bắc nước vẫn chưa thực sự ấm. Tắm nước lạnh có thể khiến cơ thể bị sốc hoặc dẫn đến bệnh tật, điều này không tốt cho thai nhi đang phát triển của bạn. Khi đi bơi, điều quan trọng là chỉ bơi ở những khu vực được chỉ dẫn là an toàn và luôn bơi cùng người thân như chồng hoặc bạn bè…

Hãy nhớ rằng bạn có thể nhanh chóng mệt mỏi hơn so với khi chưa mang thai, do đó không bơi xa bờ hoặc bãi biển. Xem xét thủy triều, sóng có to không, môi trường biển có bảo đảm không cũng rất quan trọng.

Nếu bạn quyết định đi bơi khi mang thai, hãy chú ý mặc đồ bơi vừa vặn, không chật. Chú ý tránh trơn trượt khi ra vào môi trường nước. Đảm bảo bước đi cẩn thận để không bị ngã và cẩn thận trong bất kỳ phòng thay quần áo nào ở hồ bơi, nơi bạn dễ bị trượt chân trên vũng nước.

Sử dụng kem chống nắng phù hợp khi bơi ngoài trời để tránh bị bỏng. Hãy nhớ thoa lại kem chống nắng thường xuyên và tránh bơi ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều khi ánh nắng trực tiếp mạnh nhất.

Giữ đủ nước cho cơ thể vì ngay cả khi bạn không cảm thấy khát, bạn vẫn có thể bị mất nước khi bơi.