Bệnh ho gà vẫn tồn tại trên khắp thế giới và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các dịch bệnh có vaccine dự phòng, trong đó có bệnh ho gà, đang gia tăng số ca mắc.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 4 ca mắc ho gà.

Việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ, đường lây, triệu chứng, biến chứng và các biện pháp phòng bệnh ho gà là rất quan trọng. Điều này giúp người dân có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh và có thể dẫn tới các biến chứng nặng, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh ho gà

Mọi lứa tuổi, giới, dân tộc, vùng địa lý đều có thể bị ho gà. Tuy nhiên, hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới một tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản.

Tiêm vaccine 6 trong 1 có thành phần ho gà cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Đường lây truyền bệnh ho gà

Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học...

Triệu chứng của bệnh ho gà

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên (đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi,…), mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ hơn so với trẻ nhỏ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày.

Biến chứng của bệnh ho gà

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng.

Trường hợp nặng có thể vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não cũng là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, có tỷ lệ di chứng và ảnh hưởng tính mạng.

Biện pháp phòng bệnh ho gà

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vaccine ho gà đủ liều và đúng lịch. Bên cạnh đó, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

Môi trườngo nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần được đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, hạn chế tiếp xúc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm vaccine ho gà cho trẻ

Hiện nay, vaccine phòng bệnh ho gà được tiêm miễn phí cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc với lịch tiêm như sau:

  • Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
  • Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất một tháng
  • Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai mộttháng
  • Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Tin liên quan