Những căn bệnh về da do đổ mồ hôi
Vào thời điểm nắng nóng tăng cao, phòng khám da liễu của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) tiếp nhận trung bình khoảng 70-80 bệnh nhân. Trong đó, 20-25% là các bệnh liên quan ánh nắng mùa hè.
Một số bệnh lý tiêu biểu là viêm da ánh sáng, mề đay ánh sáng… Nhiều trường hợp quá nóng, đổ mồ hôi nhiều cũng khiến người bệnh xuất hiện mề đay. Những bệnh da liễu này xuất hiện nhiều hơn khi người dân hoạt động dưới dưới ánh nắng.
Mới đây, đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng tiếp nhận 2 bệnh nhi ở độ tuổi 10-11 trong tình trạng da bị cháy nắng.
Theo lời kể của phụ huynh, cuối tuần, gia đình quyết định đi nghỉ ở Đà Lạt. Do thời tiết khá mát mẻ, cả nhà đã chèo thuyền ở hồ Tuyền Lâm từ 10h đến 13h. Tuy nhiên, 2 bé trai và gái không được chống nắng cũng như đội mũ. Kết quả là bé gái bị cháy nắng nặng hơn anh trai, thậm chí bỏng da đầu.
Đổ mồ hôi khiến da dễ mắc bệnh
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, giảng viên bộ môn Da liễu của Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, những ngày hè nắng nóng, cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn, nhất là ở vùng kẽ da, nếp da.
“Những hoạt động ngoài trời dưới thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao sẽ làm da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tình trạng da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn khiến vi khuẩn phát triển và tạo ra các nhiễm trùng trong nang lông, khiến người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc ngứa.
Bác sĩ này cũng cho hay trong mùa hè, nhóm bệnh da nhiễm khuẩn có khuynh hướng gia tăng. Điển hình là viêm da, nhiễm trùng da, viêm nang lông, nhiễm nấm trên da. Với trẻ nhỏ, tình trạng rôm sảy cũng tăng lên.
Do đó, vệ sinh da thông qua thói quen tắm ngay sau khi đổ mồ hôi nhiều là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm nang lông. Ngoài ra, người dân cũng cần tránh mặc lại quần áo thấm mồ hôi.
“Để giảm sự tắc nghẽn trong lỗ chân lông, mọi người cũng nên cân nhắc sử dụng thêm kem chống nắng không gây kích ứng và không gây sinh nhân mụn trên toàn cơ thể”, TS Chuyên khuyến cáo.
Ở trẻ em, do tuyến mồ hôi chưa đủ khả năng tiết mồ hôi ra nhiều nhằm phù hợp với thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ đã phải đến khám với biểu hiện rôm sảy, da nổi mẩn đỏ hồng, mụn mủ ở ngực, lưng, mông, đầu cổ, thân mình…
TS Chuyên lưu ý: “Da của trẻ bị viêm nên các bé thường có cảm giác bứt rứt, khó chịu, ngứa. Lúc này, trẻ sẽ gãi và làm trầy da, dễ gây bội nhiễm vi khuẩn”.
Do đó, khi chăm sóc trẻ trong giai đoạn này, vị chuyên gia khuyên phụ huynh nên tránh mặc cho trẻ quá nhiều quần áo, ủ ấm, che nắng quá dày…
Thay vào đó, trẻ nên được mặc quần áo thoáng mát, giữ da sạch, từ đó giúp các lỗ chân lông không bị tắc. Mọi người cũng có thể tắm cho con bằng các loại sữa tắm dịu nhẹ, không gây kích ứng và đưa bé đi khám sớm nếu tình trạng không cải thiện.
Bệnh ở các cơ quan khác từ da
Song song với các bệnh về da liễu, TS Nguyễn Thị Hồng Chuyên cho hay mùa hè là thời gian thường xuất hiện các bệnh do virus như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… Lúc này, bệnh nhân cũng xuất hiện các biểu hiện ngoài da.
“Da có thể là biểu hiện chung của các bệnh ở nhiều cơ quan, hệ thống. Do vậy, khi trẻ phải đến khám với các biểu hiện trên da kèm theo sốt, triệu chứng liên quan thần kinh như bứt rứt, khó chịu, bỏ ăn hay quấy khóc nhiều… chúng ta cần để ý các tác nhân gây bệnh khác thay vì bệnh da đơn thuần”, TS Chuyên lưu ý.
Không chỉ trẻ em, các bác sĩ da liễu thời gian qua đôi khi cũng phải tiếp nhận những trường hợp người lớn bị tay chân miệng. Người bệnh xuất hiện mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân và có lở miệng kèm sốt.
Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết ở người lớn cũng xuất hiện các ban da trên thân mình và chi. Do đó, nhiều người bệnh nghĩ mình bị dị ứng nên đã đến khám tại cơ sở y tế da liễu.
Mặt khác, vị chuyên gia thông tin thêm nhiều bệnh lý cũng xuất hiện hoặc trầm trọng hơn do ánh nắng gây ra. Điển hình trong số này là Lupus ban đỏ. Nguyên nhân là ánh sáng Mặt Trời chứa tia cực tím khiến bệnh bùng phát.
Do đó, vào mùa hè, những bệnh nhân này được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Đây là khoảng thời gian nhiều tia cực tím nhất.
Khi ra ngoài, mọi người được yêu cầu che chắn kỹ cũng như hình thành thói quen sử dụng kem chống nắng đúng cách. Mặt khác, các bệnh nhân cần tái khám thường xuyên hơn với bác sĩ chuyên khoa để quản lý các hoạt độ của bệnh.
Liên quan 2 bệnh nhi bị cháy nắng nói trên, TS Chuyên cho biết khi tham gia những kỳ nghỉ như lên núi, vào vườn hái trái cây hoặc xuống biển, mọi người có thể gặp các vấn đề về da như viêm da do côn trùng đốt, viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng do các tác nhân như sứa biển hoặc sinh vật phù du trong nước.
Bên cạnh đó, người Việt Nam không có thói quen sử dụng kem chống nắng cho trẻ. Vì vậy, khi trẻ tham gia các hoạt động dã ngoại ngoài trời, không được che chắn đủ hoặc không được sử dụng kem chống nắng phù hợp, có thể bị cháy nắng.
“Cháy nắng mang đến nguy cơ tổn thương da cấp tính và cả tổn thương tích lũy nhiều hơn. Trong đó, nguy cơ lâu dài và tiềm ẩn chính là lão hóa da và ung thư da. Người ta nhận thấy tần suất cháy nắng càng nhiều, nguy cơ ung thư da về lâu về dài sẽ tăng lên”, TS Nguyễn Thị Hồng Chuyên cảnh báo.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....