Những bệnh lý nguy hiểm, có thể gây chết người do nắng nóng
Nhiệt độ tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới khiến không ít người bị say nắng, sốc nhiệt. Tại Hàn Quốc, ca đầu tiên tử vong vì say nắng trong năm nay đã được ghi nhận.
Sau khi say nắng, người bệnh có những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực, sau đó đến mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, chuột rút, cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim và tử vong.
Nếu không được phát hiện kịp thời, nguy cơ tử vong của người bị say nắng, sốc nhiệt rất cao.
Đột quỵ (sốc nhiệt)
Đột quỵ vì say nắng là bệnh nghiêm trọng liên quan nhiệt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng này xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ. Thân nhiệt tăng nhanh, cơ chế bài tiết mồ hôi bị rối loạn, cơ thể không thể hạ nhiệt.
Khi bị đột quỵ vì say nắng, thân nhiệt người bệnh sẽ tăng lên trong vòng 10-15 phút. Nó có thể gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Đây là tai biến nặng nhất do nhiệt, tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do các nguyên nhân khác.
Theo Mayo Clinic, các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ vì say nắng như: Thân nhiệt cao từ 40 độ C trở lên, bất ngờ xây xẩm mặt mày, lú lẫn, kích động, nói lắp, khó chịu, mê sảng, co giật, mê man sau khi đi từ ngoài trời nắng về; đổ mồ hôi, nôn, da ửng đỏ, thở gấp, đau tim, đau đầu…
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng đỉnh điểm nhất là mùa hè, nhiệt độ tăng cao, trời oi bức. Một nghiên cứu từ Đại học Haifa (Israel) cho thấy cứ mỗi một độ C tăng lên, nguy cơ đột quỵ tăng thêm 10% trong 6 ngày.
Nguyên nhân gây đột quỵ khi trời nắng nóng là nhiệt độ tăng cao, cơ thể bài tiết nhiệt mồ hôi, gây mất nước. Điều này dẫn tới lưu thông máu kém, tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dễ dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.
Theo CDC, khi phát hiện người bị đột quỵ vì say nắng, chúng ta nên gọi cấp cứu khẩn, đưa nạn nhân tới khu vực có bóng râm, mát mẻ, cởi bớt quần áo để thoát nhiệt; làm mát cơ thể bằng nước lạnh, đắp khăn ướt lên da, ngâm quần áo trong nước mát…
Kiệt sức
Kiệt sức do nhiệt là phản ứng của cơ thể khi mất quá nhiều nước và muối, thường là khi đổ mồ hôi quá nhiều. Kiệt sức vì nhiệt có nhiều khả năng ảnh hưởng đến người già, người bị huyết áp cao, người làm việc trong môi trường nắng nóng.
Người bệnh sẽ gặp triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, yếu cơ, cáu gắt, khát nước, đổ nhiều mồ hôi, thân nhiệt cao, ít đi tiểu.
CDC khuyến cáo người bị kiệt sức vì nhiệt cần được đưa đến phòng khám, cấp cứu để được đánh giá và điều trị y tế. Ngoài ra, chúng ta nên đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, nghỉ ngơi trong bóng mát, bổ sung gấp nước, cởi bỏ quần áo không cần thiết, bao gồm cả giày và tất; có thể làm mát cơ thể bằng khăn lạnh lau khắp người hoặc rửa mặt, đầu, cổ bằng nước lạnh; nhấp từng ngụm nước mát để tránh mất nước.
Tiêu cơ vân
Tiêu cơ vân (rhabdo ) là bệnh lý liên quan đến sốc nhiệt và gắng sức kéo dài. Bệnh gây sự cố nhanh, đứt và chết cơ bất ngờ.
Khi các mô cơ chết đi, chất điện giải và protein sẽ được giải phóng vào máu, dẫn tới nhịp tim không đều, co giật và gây hại cho thận.
Triệu chứng của người bị tiêu cơ vân do sốc nhiệt là đau, chuột rút cơ, nước tiểu sẫm màu (thường có màu giống trà hoặc nước ngọt có ga), yếu, thiếu minh mẫn...
Bên cạnh đó, tiêu cơ vân có thể gặp do chấn thương hoặc chèn ép trong hội chứng vùi lấp sập hầm, sập nhà, ngã va đập từ độ cao, chèn ép do chấn thương dưới sức ép cao; do bệnh nhân phải nằm bất động kéo dài trong trạng thái hôn mê, an thần gây ngủ chủ động, đặc biệt dễ xảy ra với các bệnh nhân béo phì; do gắng sức quá mức trong tình trạng co giật, rung giật cơ do lạnh, ngộ độc, sảng rượu, tăng thân nhiệt ác tính, say nóng, say nắng...; nghiện rượu; do dùng thuốc như nhóm statin và fibrat, ong đốt, nhiễm khuẩn...
Nếu gặp người có triệu chứng bị tiêu cơ vân do sốc nhiệt, bạn nên dừng ngay việc đang làm, uống nhiều nước, tìm kiếm sự trợ giúp y tế và kiểm tra tiêu cơ vân.
Ngất
Ngất do nhiệt là tình trạng người bệnh đột ngột chóng mặt, quỵ ngã, xảy ra khi đứng quá lâu, bất ngờ đứng lên sau khi ngồi hoặc nằm. Những người dễ bị ngất do nhiệt thường là các trường hợp đi lại lâu trong nắng nóng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự... Nguyên nhân là họ bị tăng tiết mồ hôi, mất nhiều muối và nước nhưng không được bổ sung kịp thời. Khối lượng nước trong mạch máu sụt giảm, gây tụt huyết áp, giảm lưu lượng máu lên não khi đứng.
Ngất do nhiệt thường kèm theo các biểu hiện khác như lú lẫn, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tiểu ít, nước tiểu cô đặc...
Người bị ngất do nhiệt cần được sơ cứu ngay, đưa vào nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước muối khoáng. Bệnh nhân cần được theo dõi thêm trong 30 phút, nếu tình trạng ổn định thì không phải đi bệnh viện.
Chuột rút
Chuột rút do nóng thường ảnh hưởng những người lao động nặng, vận động viên tập luyện với cường độ cao. Đổ mồ hôi liên tục khiến họ cạn kiệt lượng muối trong cơ thể và giảm độ ẩm. Khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục với cường độ mạnh. Cơ thể bị mất nước, muối và các chất điện giải qua mồ hôi quá nhiều, gây ra tình trạng căng cơ.
Bệnh nhân sẽ bị chuột rút cơ, đau hoặc co thắt bụng, cánh tay, chân. Chuột rút nhiệt cũng có thể là một triệu chứng của kiệt sức vì nhiệt.
Để giải quyết tình trạng này, người bệnh nên uống thuốc giảm đau thông thường kết hợp nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, uống bù nước có muối khoáng bởi nước lọc không đáp ứng đủ nhu cầu mất muối, nước của cơ thể. Nước có muối khoáng gồm các dung dịch nước điện giải, nước chanh pha muối, đường... Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giảm dần và hồi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến chán ăn, không ăn được khiến cơ thể bệnh nhân bị thiếu dưỡng chất, sinh ra mệt mỏi và suy nhược, huyết áp không ổn định, dễ dàng bị say nắng, nóng hơn.
Nắng nóng cũng có thể gây mất ngủ, thiếu ngủ làm não bộ thiếu dưỡng khí. Điều này dễ gây đau đầu, thậm chí đau mỏi toàn thân, khiến cơ thể càng dễ tổn thương khi ra ngoài trời nắng hoặc ở trong môi trường nóng bức. Khi bị say nắng, nóng, người bệnh còn dễ bị hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng, dễ bị chấn thương hơn do ngã khó kiểm soát.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....