Dọc QL 7 qua địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An), ở dưới bờ mương thoát nước những người phụ nữ trong bộ quần áo lao động đang chăm chỉ đều tay xúc đất hất lên bờ đường. Nhóm phụ nữ này đều đã ngoài 40 tuổi ở xã Cẩm Sơn được giao công việc phu đường trên địa bàn xã Đỉnh Sơn. Mọi người vẫn thường hay gọi các chị với cái tên những nữ phu đường. Các chị đi làm theo thời vụ, có người gọi thì đi dọn dẹp còn ngày thường vẫn ở nhà chăm con, cháu, ruộng nương vườn tược.

Trên nhiều tuyến đường Ql Miền núi phía tây Nghệ An thường xuyên bắt gặp những người phụ nữ sử dụng máy móc như người đàn ông để dọn dẹp, phát quang cho con đường sạch đẹp. Ảnh: Xuân Thủy

Tắt chiếc máy cắt cỏ, chị Nguyễn Thị Hiền (36 tuổi) ở xóm 3 xã Cẩm Sơn ngồi bệt xuống vệ đường dựa lưng vào bờ mương nghỉ mệt. Chiếc áo lao động ướt đẫm, cởi bỏ chiếc khẩu trang kín mít chị cố gắng hít thật sâu. Những giọt mồ hôi chảy dài trên gò má, đôi bàn tay ửng đỏ, hai tay chị thi nhau đấm bóp khắp người. “Chị làm công việc thời vụ này được 5 năm rồi, mấy ngày đầu không quen nên cảm thấy khó thở vì khẩu trang kín mít, thêm nữa máy cắt cỏ rung nên về đau lưng với mỏi hai bắp tay. Mãi dần rồi cũng quen, có công việc để làm thêm tăng thu nhập gia đình lại gần nhà tiện chăm sóc con cái.”- Chị Hiền chia sẻ.

Công việc  của các chị bắt đầu từ 6 giờ rưỡi sáng, thế nhưng các chị đã phải dậy sớm hơn rất nhiều. Dậy sớm để lo cơm nước cho chồng con, rồi tranh thủ cho lợn gà ăn. Suốt ngày vật lộn với bụi đường, cỏ dại nên quần áo bao giờ cũng là đồ lao động, đôi khi chỉ là chiếc áo chống nắng. Sử dụng máy cắt cỏ cũng khá nguy hiểm, những mảnh văng của đá nằm dưới lớp cỏ dại văng vào chân dễ gây thương tích. Để bảo vệ chân khỏi các mảnh văng, các chị hay dùng một chiếc bao tải làm miếng chắn dưới chân nhưng rất vướng víu, không linh hoạt. Những mảnh văng của đá, cỏ dại bay rất xa nên chị thường xuyên phải làm một mình một nơi. Lúc nghỉ mệt cũng không có ai trò chuyện, chỉ lủi thủi một mình cả ngày như vậy.

Sử dụng máy cắt cỏ nữ phu đường phải đối mặt với những mảnh đá, nhánh cây dại văng có thể gây thương tích cho chính mình. Ảnh: Xuân Thủy

“Nhiều lúc đưa con đi học mà ngậm ngùi, bố mẹ các bạn khác quần áo tươm tất, sạch sẽ mà con của mình ngại ngùng hỏi sao mẹ không mặc đẹp như các bác ấy?. Chị cũng chỉ biết động viên con cố gắng học tập, mẹ lao động tay chân nên quần áo không đẹp được. Mặc đẹp đi làm khó coi lắm.”- Chị Hiền ngậm ngùi.

Cách nơi chị Hiền làm một đoạn khá xa, một nhóm người đang tay xẻng, tay cuốc cúi mặt xúc những đống đất, cỏ dại dưới lòng mương hất lên bờ. Các chị cũng trùm khẩu trang kín mít chỉ để lộ đôi mắt, đầu đội những chiếc nón lá che kín đầu. Tuyệt nhiên không thấy các chị nói chuyện với nhau câu nào, chỉ nghe có tiếng cuốc, xẻng va vào đất đá. Cứ mỗi lần hất xẻng lên bụi đất bay xung quanh người các chị.

Với những nữ phu đường dùng xẻng, cuốc họ phải đối mặt với khói bụi, thậm chí là những con rắn, rết và mảnh thủy tinh, kim loại sắc nhọn gây thương tích cho mình. Ảnh: Xuân Thủy

Mỗi buổi làm việc các chị dành ra vài phút nghỉ ngơi để lấy lại một chút không khí trong lành. Những lúc ấy mọi câu chuyện tâm tư về hoàn cảnh gia đình, những khó khăn cuộc sống lại được các chị tỉ tê với nhau. Vừa chia sẻ câu chuyện vừa giúp đỡ nhau đỡ mỏi mệt và cũng chính những lúc nghỉ ngơi ấy các chị càng hiểu thêm về nhau nhiều hơn.

Đến 10 giờ rưỡi, các chị gắng nốt đoạn đường rồi rủ nhau vào gốc cây to bên vệ đường ngồi nghỉ chuẩn bị về. Chị Lê Thị Thương (38 tuổi) vừa cởi chiếc khẩu trang rũ mạnh làm cho bụi bám trên chiếc khẩu trang bay mù mịt. Chị ngồi bệt xuống đất, dựa hẳn vào gốc cây thở dài: “Cả ngày dầm dưới nắng không dám nói chuyện với nhau sợ bụi bay vào miệng, mũi. Mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ với tiền công 160.000 đồng, biết là thấp nhưng cũng hơn ngồi ở nhà chơi. Công việc đồng áng chưa tới mùa nên tranh thủ làm được ngày nào hay ngày đó. Họ trả công theo ngày chứ không tính km, đoạn nào ít rác, đất thì làm nhanh, đoạn nào nhiều thì làm chậm. Có ngày chỉ làm được mấy trăm mét.”- Chị Thương cho biết thêm.

Mặc dù công việc chỉ là thời vụ mang lại thu nhập thấp nhưng các chị vẫn chịu khó làm việc. Không chỉ để cung đường đẹp hơn mà còn giúp các chị thấu hiểu hoàn cảnh nhau hơn. Ảnh: Xuân Thủy

Cầm chiếc xẻng, cuốc đi dọn dẹp cũng thường xuyên gặp phải những con rắn, con rết ẩn mình dưới rác, đất đá. Đôi khi còn những mảnh vỡ gương kính, những mảnh kim loại sắc nhọn đe dọa đôi chân các chị. Chính vì vậy các chị vừa phải tập trung làm việc vừa phải tinh mắt quan sát. Không chỉ đôi bàn tay khỏe mạnh mà đôi chân cũng phải nhanh nhẹn để né tránh những nguy hiểm. Đây là công việc không yêu cầu cao về kỹ thuật chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ là làm được. Buổi chiều các chị bắt đầu từ 14 giờ đến 18 giờ chiều mới nghỉ làm. Dầm mình dưới cái nắng chói chang, đối mặt với khói bụi, toàn thân kín mít chỉ để lộ đôi mắt, mồ hôi toát ra như tắm mới hiểu được cái khổ của nữ phu đường.         

Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc, công việc của những nữ phu đường có đỡ vất vả hơn. Mặc dù thu nhập không được là bao nhưng công việc đó cũng mang lại cho các chị những niềm vui, những cảm xúc khác nhau và hiểu về nhau rõ hơn qua những lúc nghỉ ngơi. Nhờ có những nữ phu đường không ngại khó khăn, chăm chỉ làm việc mà những cung đường trở nên xanh sạch hơn, quyến rũ hơn.