Từ thị trấn Hòa Bình huyện Tương Dương phải vượt qua 25km đường dốc quanh co leo cao giữa lưng chừng núi mới tới được bến thuyền thủy điện Bản Vẽ. Ngồi xuồng máy thêm 2 giờ di chuyển trên lòng hồ thì đến được trung tâm xã Hữu Khuông. Từ trung tâm xã chúng tôi, mất hơn nửa giờ đi xe máy khoảng 3km trên những con dốc gồ ghề, vượt qua các con suối nhỏ từ trên vách núi chảy xuống mới đến được bản Pủng Bón.
Thấy người lạ vào bản, một nhóm nguời đang ăn mít dưới gầm nhà sàn nhìn chúng tôi một hồi lâu chực đoán đoàn cán bộ nào vào thăm. Sau một hồi chào hỏi, mọi người lại ăn uống cười nói như cũ. Đang mải mê ngắm nhìn những ngôi nhà sàn bằng gỗ, những cánh rừng rậm rạp bao quanh bản thì đâu đó vọng lên tiếng ú òa cười nói của ai đó.
Lần theo tiếng cười, chúng tôi bước chân lên cầu thang một ngôi nhà sàn nhỏ cuối bản thì lặng người đi vài giây. Trước mắt chúng tôi là hai chị em đang chơi đùa với nhau ngay hiên nhà nơi đầu cầu thang, thế nhưng đôi chân của người chị trông giống như người cá và người em mềm nhũn như người không xương.
Ban đầu thấy người lạ bước lên nhà, hai chị em im bặt tiếng cười đùa, mãi một hồi lâu khi những câu thăm hỏi xã giao bắt đầu cảm thấy như người thân quen hai chị em Ngân Thị Mai và em trai Ngân Văn Là mới chia sẻ về mình.
Nhìn xa xăm về phía cánh rừng sâu phía sau nhà Mai kể, bản thân chỉ học xong lớp 3 ở bản rồi bỏ dở vì nhà nghèo, cha mẹ đã già yếu. Cho đến cái tuổi này, em chưa bao giờ được đưa đến bất cứ một bệnh viện nào để thăm khám. Em đã quen với đôi chân khập khiễng của mình. Em chỉ đi trong nhà, trong bản, chắc cũng không cần chân khỏe lắm đâu. Khi được hỏi về số tuổi, Mai chỉ ấp úng em 29 hay 30 tuổi gì đó không nhớ rõ.
Đang mải ngồi trò chuyện với Mai, chị gái Ngân Thị Thớ đi làm rẫy về người mồ hôi nhễ nhại kể về đôi chân của Mai. Ngay từ nhỏ mới sinh ra đôi chân của Mai nhỏ xíu, hai mũi bàn chân hướng vào nhau. Mọi người trong nhà không ai để ý cho đến khi Mai lớn chập chững bước đi thì mu bàn chân đã chai sạn. Nhìn từ xa dáng người Mai đi đứng đôi chân cụm vào nhau giống như đuôi cá. Chỉ vì nhà cửa khó khăn đường xá đi lại vất vả mà chưa một lần Mai được ra huyện khám.
Về người em trai của Mai, Ngân Văn Là năm nay đã 23 tuổi. Còn khốn khổ hơn cô chị, từ khi lọt lòng, Là chưa bao giờ biết tự ngồi dậy. Bước đi trên chính đôi chân của mình là niềm mơ ước xa xôi đối với chàng thanh niên mang hình hài của một đứa trẻ lên 10 này.
Chị Thớ nhớ lại, ngày còn nhỏ đã thấy Là ốm liên miên. Ban đầu gia đình chỉ nghĩ, cậu bé cũng ốm vặt như bao nhiêu đứa trẻ khác. Khi bạn cùng trang lứa đã biết đi đứng, chạy nhảy mà Là vẫn chưa ngồi dậy được, mọi người mới cảm thấy lo lắng cho tương lai sau này của Là. Nhưng rồi tất cả chỉ dừng lại ở mối lo. Giữa "ốc đảo" không đường sá, không sóng điện thoại này, dường như người ta đã quen phó mặc cho số phận.
Đã đến bữa trưa, Mai đứng dậy, đi đến chiếc chạn lấy một ít xôi cho cậu em. Đó là bữa ăn chính của cả hai chị em. Thức ăn chỉ có xôi, một ít hành, ớt và vài loại rau rừng giã với muối gọi là món chẻo. Cô chị bón cho cậu em ăn trong tư thế nằm. Là đã phải ăn như vậy suốt hơn 20 năm qua. Đó cũng là số năm Mai phải chăm sóc cậu em, mặc dù chính bản thân cô cũng chẳng khá hơn là bao.
Mọi sinh hoạt của gia đình Mai đều dựa vào cha mẹ đều đã ngoài 70 tuổi. Ông Ngân Văn Thiết (SN 1944), bà Ngân Thị Điểm (SN 1946) trở thành lao động chính trong nhà. Hằng ngày hai ông bà đều ở trên rẫy từ sáng tinh mơ tới tối mịt mới về. Ở nhà hai chị em Mai và Là tự chăm sóc lẫn nhau.
“Ước mơ của em là được một lần hai chị em được đi khám bệnh. Dù có chữa được hay không nhưng em cũng muốn thử một lần” – Lời Mai nói cũng là mong muốn của người em trai. Chị em Mai hiện được hưởng chế độ dành cho người tàn tật, trên 400.000 đồng cho mỗi người, mỗi tháng.
Để nắm chắc hoàn cảnh của gia đình Mai, chúng tôi có mượn chiếc sổ hộ khẩu gia đình thì biết Mai sinh năm 1987 năm nay đã 32 tuổi, còn Ngân Văn Là sinh năm 1996 năm nay đã 23 tuổi nhưng chỉ như đứa trẻ bi bô tập nói, mọi sinh hoạt đều dựa vào chị có đôi chân người cá.
Chúng tôi tìm gặp anh Lô Văn Phượng - Công an viên bản Pủng Bón thì được biết thêm, trong bản có 6 người khuyết tật. Ngoài chị em Mai còn phải kể đến Kha Thị Là. Cô gái sinh năm 1990 từ nhỏ đã bị gù. Trên lưng xuất hiện một khối xương lớn khiến cô lúc nào cũng như cúi rạp. Dị tật này khiến Là tự ti nên tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Cô gái chưa một ngày dám đặt chân đến trường mà cuộc sống chỉ xoanh quanh ông nội đã 95 tuổi đang ốm liệt giường.
Cũng như Mai, Là cho hay bản thân cũng mong được một lần được đến bệnh viện thăm khám. Thế nhưng dường như đó là một điều ước xa vời bởi mọi thu nhập của gia đình đều nhờ vào người khỏe mạnh duy nhất trong nhà là anh trai Kha Văn Khu. Anh trai của Là thường xuyên vắng nhà vì phải theo những công trường xây dựng. Hàng tháng, số tiền anh trai gửi về cũng chỉ đủ để Là mua mắm muối và mua thuốc cho ông nội đã như ngọn đèn trước gió.
Trở về với trung tâm xã, Chúng tôi đem những câu chuyện về những hoàn cảnh khuyết tật ở bản Pủng Bón trao đổi với ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông. Vị lãnh đạo xã này cho hay, chính quyền địa phương trong khả năng của mình cũng chỉ biết tạo điều kiện để họ được hưởng những trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước. Cũng theo ông Chiến thì một trong những nguyên nhân khiến bản Pủng Bón có khá nhiều người mang dị tật có thể là hệ lụy của tình trạng hôn nhân cận huyết.
Hôn nhân cận huyết cũng là điều khá phổ biến ở những cộng đồng bị bủa vây bởi rừng núi và sông hồ ở vùng cao xứ Nghệ. Những phận đời mà chúng tôi gặp gỡ trên hành trình tác nghiệp, như Mai, như Là... chưa một lần bước xa hơn mép sông kề bản, nhìn xa hơn ngọn núi trước mắt mình. Khát khao nào có gì lớn lao, chỉ là ước mong được biết rõ căn nguyên nỗi khổ mà mình phải chịu đựng bấy lâu, nhưng chẳng biết bao giờ mới thành hiện thực...