Bác sĩ ở TP.HCM thực hiện ca cấy tóc cho bệnh nhân suốt 10 giờ liên tục. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Số liệu trên được Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) công bố sau khi kết thúc nghiên cứu “Hiểu biết, thái độ và thực trạng sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thâm thần và tâm lý xã hội của nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM” vào tháng 8.

Nghiên cứu dựa trên mẫu số 382 nhân viên y tế được thực hiện bởi Sở Y tế TP.HCM dự án EpiC. Trong đó, các nhân viên y tế đang làm việc tại cả bệnh viện công lập và tư nhân, gồm: Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện quận 11, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện An Bình).

Đặc thù ngành y tế đối mặt với nhiều mối nguy hiểm phức tạp về sức khỏe và an toàn trong quá trình làm việc.

Dựa trên kết quả khảo sát, thực tế cho thấy có đến 34% nhân viên tế có nguy cơ trầm cảm; 31,9% có nguy cơ lo âu và 25,7% người có nguy cơ căng thẳng. Trong đó, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện tuyến thành phố và quận/huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn đáng kể so với nhân viên y tế làm việc tại các đơn vị tư nhân.

Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện tuyến quận/huyện có nguy cơ lo âu cao hơn đáng kể so với các nhân viên y tế làm việc tại tuyến thành phố và tư nhân. Nhân viên y tế thuộc bệnh viện tuyến quận/huyện có nguy cơ căng thẳn cao hơn có ý nghĩa thống kê so với các nhân viên y tế làm việc tại cơ sở tư nhân.

Kết hợp với phỏng vấn định tính, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhân viên y tế đang gặp phải tình trạng áp lực lớn, căng thẳng và kiệt sức nghề nghiệp do:

  • Khối lượng công việc lớn
  • Thời gian làm việc dài, phải trực ca đêm, ngày lễ Tết
  • Các quy tắc chặt chẽ của nghề
  • Không dành đủ thời gian cho gia đình
  • Không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn
  • Chưa có hỗ trợ đặc biệt về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc

Mặc dù vậy, việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế còn gặp nhiều rào cản, trong đó nguyên nhân lớn nhất nằm ở định kiến xã hội, thái độ (mặc cảm/tự định kiến) và phương tiện (chi phí dịch vụ, thời gian chờ đợi... ).

Đa số nhân viên y tế không muốn các vấn đề về sức khỏe tinh thần bị ghi lại trong hồ sơ của họ. Họ lo lắng rằng những người quen biết sẽ phát hiện ra họ có vấn đề sức khỏe tinh thần. Nhiều nhân viên y tế mong muốn tự giải quyết vấn đề của bản thân, nghĩ rằng vấn đề sức khỏe tinh thần của họ có thể tốt dần lên. Đồng thời, nhân viên y tế không có thông tin về sự hỗ trợ chuyên nghiệp và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ hỗ trợ đó.

Chia sẻ tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tâm thần là quyền của mọi người do Sở Y tế TP.HCM tổ chức hồi tháng 12/2023, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết có nhân viên y tế đã tự tử vì sang chấn tâm lý, trầm cảm.

"Qua những trường hợp đau lòng đó, có thể thấy họ đã trải qua một giai đoạn trầm cảm, lo âu, đau buồn kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời", TS Châu nói.

Sở Y tế TP.HCM, HCDC và dự án EpiC với sự hỗ trợ của USAID phối hợp thực hiện dự án Tâm – một dự án chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế thành phố. Chiến dịch được thực hiện với kỳ vọng tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần; Nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên ngành sức khỏe tâm thần và thực hiện các biện pháp can thiệp; Nâng cao kiến thức về sức khỏe tinh thần cho cấp đầu ngành và khuyến khích văn hóa làm việc thân thiện.

Tin liên quan