Sở Y tế TP.HCM cho biết đến cuối tháng 8, ngành y tế đã khám sức khoẻ và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn. Kết quả có đến 57,6% người mắc bệnh cao huyết áp. Số người mắc mới được phát hiện qua quá trình khám sức khoẻ là 32.847 người (14,1%).
Bên cạnh đó, người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường chiếm 23,3%, bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm 2,8%. Người cao tuổi có tiền sử ung thư chiếm 1% và nghi ngờ mắc ung thư là 1,9%.
Căn bệnh thầm lặng tàn phá cơ thể
Theo các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác. Đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bệnh tăng huyết áp thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình. Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ rất quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là trạng thái máu lưu thông dưới một áp suất tăng cao lâu dài. Tăng huyết áp được xác định khi có huyết áp tâm thu từ 140 mm Hg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mm Hg trở lên.
Các bác sĩ thường ví von bệnh tăng huyết áp là "kẻ ám sát" do căn bệnh này thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu báo trước rõ ràng. Người bệnh phát hiện bị huyết áp tăng một cách tình cờ, qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Bác sĩ Phan Thị Mỹ Nhung, khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, HCDC, cho biết bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được sẽ dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình và bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ, rối loạn cương dương...
Ai cần đo huyết áp?
Theo bác sĩ Nhung, các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mạn.
Vì vậy, để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, người trên 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng - 1 năm/lần.
Những người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là dưới 130/80 mm Hg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo.
Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
Trong khi đó, bác sĩ Phạm Văn Hưng, HCDC, cho rằng mọi người nên biết số đo huyết áp của mình. Đây là một thông tin hữu ích về sức khỏe của bản thân.
"Chúng ta chỉ có thể phòng ngừa và kiểm soát được bệnh tăng huyết áp khi biết số đo huyết áp", bác sĩ Hưng nói.
Để biết một người có bị tăng huyết áp hay không, đầu tiên là xác định trị số huyết áp. Hai giải pháp thông thường để đo huyết áp tại cơ sở y tế và đo huyết áp tại nhà. Thời điểm tốt nhất là đo huyết áp vào buổi sáng.
Khi đo huyết áp mọi người cần lưu ý:
- Tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi ổn định tại chỗ trong 10 phút
- Không dùng bia, rượu, trà, cà phê, hút thuốc lá, ăn uống thịnh soạn
- Tư thế ngồi thẳng lưng, không bắt chéo cẳng chân, tay để ngang tim
- Không nói chuyện, nghe điện thoại, làm việc riêng khi đo
- Không dùng thuốc hạ huyết áp, thuốc ngừa thai… trước đó
Ngoài ra, có một vài triệu chứng sớm do tăng huyết áp đôi khi người dân có thể gặp như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ, khó thở, tim đập nhanh, ù tai, nghe kém, nhìn thấy những đốm sáng lập loè trước mắt...
Nếu những triệu chứng này diễn ra tuần tiến trong một thời gian lâu thì tăng huyết áp đã gây biến chứng lên các cơ quan như tim, não, thận, mắt hay các cơ quan thần kinh.