Nhiều người bị chó thả rông, không rọ mõm cắn nhưng không tiêm vaccine dại. Ảnh: Times of India.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 17 ổ dịch dại trên chó, tăng 14 ổ so với cùng kỳ năm 2023. Tuy số ổ dịch dại tiếp tục tăng, lây lan ở các huyện, nhiều người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Huyện Trảng Bom từng xảy ra trường hợp ông T.V.P. (36 tuổi) bị chó cào chảy máu nhưng chủ quan không đi chích ngừa dẫn đến không qua khỏi do lên cơn dại.

Trước đó 6 tháng, gia đình ông P. bị chính con chó mình nuôi cào, cắn. Ba người bị cắn đã đi chích ngừa vaccine và huyết thanh kháng dại nên vẫn khỏe mạnh, an toàn. Riêng ông P. do chỉ bị cào xước tay chảy máu nên chủ quan không đi chích ngừa. Hậu quả đau lòng là sau đó ông bị lên cơn dại và không qua khỏi.

Một trường hợp chủ quan khác cũng tại huyện Trảng Bom là của ông Đ.Đ.Â. Trước đó, ông từng làm thịt và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của một con chó dại trong xã. Con chó này trước đó có biểu hiện hung dữ và cắn 3 người nên đã được cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm.

Mặc dù con chó có kết quả dương tính với virus dại, ông Â. vẫn chủ quan, không đi chích ngừa vaccine và huyết thanh kháng dại đến mức địa phương phải vào cuộc tuyên truyền, vận động.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, địa phương này hiện chiếm 25% tổng số ổ dịch dại của khu vực phía Nam.

Bệnh dại trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nhiều người. Tuy nhiên, ý thức của người dân về phòng bệnh để bảo vệ tính mạng còn chủ quan, lơ là.

Bên cạnh đó, việc quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó còn thấp. Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho thấy tính đến hết tháng 4, chỉ khoảng 32,6% tổng đàn chó trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine phòng bệnh dại.

“Sự chủ quan của người dân không chỉ gây khó khăn trong việc phòng chống bệnh dại, mà ngay cả bản thân của họ cũng có thể phải trả giá đắt bằng tính mạng”, bác sĩ Phúc nói.

Bác sĩ Phan Văn Phúc cho biết hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Ngoài ra, công tác xử phạt người nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định về quản lý chó, mèo và tiêm phòng dại chưa triển khai thực hiện ở nhiều nơi nên không mang tính răn đe.

Trong khi đó, dại là căn bệnh rất nguy hiểm, gần như 100% các trường hợp phát bệnh đều không qua khỏi. Biện pháp duy nhất để bảo vệ tính mạng cho người dân khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vaccine.

“Nhiều người nghĩ chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc theo dõi động vật cắn trước, nếu nó có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế tiêm phòng. Đây là quan niệm không đúng. Việc tiêm vaccine rất quan trọng, cần thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị chó, mèo cắn”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ hàng nằm cho chó, mèo đầy đủ theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Khi bị chó, mèo cào cắn, nạn nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine phòng dại.