Các dấu hiệu tiêm filler bị hoại tử

Thời gian gần đây cả nước liên tiếp ghi nhận ca tai biến do tiêm filler. Gần nhất là người phụ nữ 39 tuổi, nguy kịch sau khi tiêm filler vào ngực và mặt ở một cơ sở làm đẹp, phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh; hay một phụ nữ 61 tuổi suy hô hấp trong ca cấy mỡ ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn, dù đã được hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi. Trước đó, một phụ nữ 33 tuổi tử cũng tử vong khi phẫu thuật nâng ngực...

Thời gian gần đây cả nước liên tiếp ghi nhận ca tai biến do tiêm filler

Đó là những ca tai biến nặng, thậm chí tử vong, còn trên thực tế có không ít ca tiêm filler cằm, mũi, má, môi... đã bị hoại tử. Để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra, các bác sỹ đưa ra những dấu hiệu tiêm filler bị hoại tử điển hình để nhận biết và có giải pháp xử lý an toàn.

Dấu hiệu tiêm filler bị hoại tử ở mũi: Mũi xuất hiện mụn, sưng tấy và có thể thâm tím. Mặc dù sử dụng nhiều phương pháp khắc phục nhưng mũi vẫn không hề thuyên giảm và tình trạng sưng tấy sẽ càng nghiêm trọng hơn. Khi sử dụng filler kém chất lượng, vón cục thì sống mũi rất dễ nhận thấy. Nếu để lâu thì tình trạng này sẽ dẫn tới hiện tượng hoại tử. Nếu tiêm filler quá liều lượng thì sống mũi sẽ to và thô ra. Dùng mắt thường cũng sẽ dễ dàng nhận thấy.

Dấu hiệu nhận biết khi tiêm filler bị hỏng ở cằm: Cằm dẹt, phẳng, không còn nhô ra khiến cho gương mặt mất cân đối. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng da giãn mạch máu, đỏ sau khi tiêm, da dễ bị rám nắng, rát và đen sạm.

Dấu hiệu tiêm filler bị hoại tử ở môi: Môi sưng đỏ, bầm tím và đau rát, thâm đen, bầm tím, thậm chí xuất hiện dịch nhờn màu vàng, mụn mủ trắng. Sau khoảng 3 ngày tiêm filler, các dấu hiệu hoại tử sẽ xuất hiện ở mắt như: Vùng tiêm sưng đỏ, bầm tím và không thuyên giảm. Mắt sưng, đau đớn, bầm tím và nhiều trường hợp chảy dịch, thị lực giảm.

Tiêm filler sai kỹ thuật có thể gây biến chứng nặng

Theo TS.BS Trần Nguyên Ánh Tú - Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh: Kỹ thuật tiêm filler (hay còn gọi là kỹ thuật tiêm chất làm đầy) là một trong những kỹ thuật khó, nếu thực hiện sai kỹ thuật có thể gây những biến chứng nặng như hoại tử da và sau khi điều trị xong, một số trường hợp vẫn còn những sẹo xấu rất khó phục hồi lại như ban đầu. Thậm chí có thể gây những biến chứng nặng hơn như đột quỵ hay mù mắt do sử dụng kỹ thuật sai cách.

Chỉ riêng Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây đơn vị này liên tục tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm filler vì quá trình vô trùng khi tiêm không tốt hoặc tay nghề của người tiêm non yếu.

Để đảm bảo an toàn khi tiêm filler, các bác sỹ khuyến cáo, người bệnh cần phải được thăm khám xem có phù hợp để tiêm chất làm đầy không. Cụ thể, bệnh nhân có thực sự cần tiêm filler không? khiếm khuyết đó trên phần mặt của bệnh nhân có thể khắc phục, cải thiện được bằng tiêm chất làm đầy không? bệnh nhân có chống những chỉ định như đang bị viêm da, dị ứng với bất cứ thành phần nào của chất tiêm, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai và cho con bú, có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại…?

Qua thực tế số ca tai biến do tiêm filler thời gian qua đa phần bệnh nhân tiêm ở các cơ sở không phép; người thực hiện không phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ hoặc da liễu, không có đủ kiến thức về filler, không được đào tạo về kỹ thuật tiêm; hoặc kỹ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn... dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) - lưu ý: Bệnh nhân sau tiêm filler có biểu hiện sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cấp cứu kịp thời.