Nhật kí đi đẻ như đi chơi, không thể thật hơn của mẹ 9x khiến chị em thấy cuộc vượt cạn không đến nỗi đáng sợ như người ta vẫn đồn thổi
Làm mẹ - cuộc hành trình thật nhiều khó khăn nhưng cũng không ít niềm vui và hạnh phúc. Chắc hẳn những ai đã được làm mẹ đều không thể nào quên được những giờ phút vượt cạn thiêng liêng để đón con yêu chào đời.
Chỉ là những dòng nhật ký đi đẻ ghi lại toàn bộ quá trình sinh nở của mình, mà chị Nguyễn Thu Trang (28 tuổi, Điện Biên) đã lưu lại được kỉ niệm khó quên trong cuộc đời làm mẹ của mình. Đoạn nhật ký chị Trang sinh bé Phạm Như Ngọc (bé Su) được chị chia sẻ như sau:
"10h sáng 18/5, mẹ đang ngủ thì tự nhiên thấy đau bụng như đến ngày. Nghĩ bụng 'Hay đau đẻ', mà đau thì đẻ chứ có gì đâu. Mẹ ngủ tiếp đến 11 giờ kém mới dậy nấu cơm trưa cho bố.
Từ lúc ấy đến 5 giờ chiều cứ đau từng cơn ngắt quãng, đau không tăng lên, nghĩ bụng "Chắc không phải đau đẻ rồi", mẹ còn nghĩ con dọa mẹ cơ.
Mẹ đã gọi điện cho bà nội con, bà lo lắng lắm rồi bảo có khi đẻ đêm nay. Mẹ thì vẫn nghĩ bụng "Nằm vùng mấy nhóm bà bầu đang mang thai thấy toàn bảo đau dã man, từng cơn mới là đau đẻ", đau như mẹ chắc không phải đau đẻ. Nhưng thôi, mẹ vẫn quyết đi khám cho yên tâm.
Đi khám, siêu âm, bác sĩ bảo em bé của mẹ vẫn bình thường, thỉnh thoảng có cơn đau nhẹ, nhưng mẹ vẫn nghĩ Su doạ mẹ, mẹ không sợ nhé!
Vào khám bác sĩ phán: "Cháu mở được 2 phân rồi nhé, nhập viện ngay!"
Mẹ còn cố nói: "Bác sĩ ơi, cháu còn chưa ăn tối, cháu về ăn đã có được không? nhưng bác sĩ bảo mẹ phải nhập viện ngay vì nhiều người mở nhanh lắm.
Mẹ vẫn bình tĩnh, nghĩ bụng: "Cứ về chén đã, hôm nay mát giời mua con cá nướng, về chưa kịp ăn thì phí ra".
Ra thông báo cho bố con, bố mẹ về sắp đồ để vào viện. Và hiển nhiên, về nhà mẹ vẫn kịp ăn 2 bát cơm cá nướng như đã định. Còn bố thì đứng ngồi không yên, hồi hộp để gặp con đấy Su ạ! Nhưng mẹ thì vẫn thủng thẳng. Nghĩ lại cũng thấy mẹ liều con nhỉ?
Xong xuôi, bố chở mẹ vào viện. Lúc đi mẹ vẫn kịp chào hàng xóm em đi đẻ, vẫn kịp nhắn tin thông báo cho bạn bè tớ đi đẻ, tao đi đẻ... Cảm giác sắp chuẩn bị đẻ như đi chơi. Chưa đẻ bao giờ mà, xem có đúng như lời thiên hạ vẫn đồn không "đau như đau đẻ" chắc nó loại trừ mình ra.
Bố lo lắng, chẳng thấy cười, mẹ vẫn toe toét, chắc đau hơn như thế này 1 tí là cùng.
Nhập viện, vào khám, lúc này mẹ mới biết thế nào là khám trong. Vụ này cứ thoải mái và thư giãn là sẽ đỡ đau hơn rất nhiều. Khám xong bác sĩ nói mẹ mở 3 phân rồi.
Mẹ nghĩ, sao mở nhanh thế nhỉ - lúc đó là 20h.
Về phòng trang thủ tập luyện mấy động tác háng và ngồi mấy tư thế cho nhanh mở, cơn đau bắt đầu dồn dập. Mẹ bắt đầu nhận ra cơn đau đẻ mà thiên hạ đồn thổi.
Mẹ tự động viện mình: "Nào nào, nhớ lại bài nào, sẽ có 3 giai đoạn, cơn đau có tính chu kì, nếu mình vượt qua được và nắm được quy luật của nó mình sẽ đẻ thường được".
Bắt đầu đau mạnh, hít thở sâu, hết cơn đau hít thở nhẹ nhàng, nào đau mạnh hơn, hít thở như thổi nến, nhanh nhanh sau đó hết cơn lại thở sâu nhẹ nhàng.
Y sĩ đi qua, thấy mẹ đang tập động tác nhún nhún cho nhanh mở liền hỏi: "Ơ cái cô kia, làm cái gì đấy, sao lại nhảy chồm chồm lên như thế?". Đó là bài mẹ học được, giờ mang ra áp dụng đấy. Đúng là có hiệu quả thật con ạ!
Mẹ lại bị gọi vào đo xem mở được bao nhiêu phân, đo nhịp tim. Úi cha, càng mở càng đau, dồn dập, nằm trong phòng đẻ 30 phút, em bé đạp bùm bụp, máy to, giật cả mình. Cứ tí lại đau, lại nhớ bài hít thở.
Mẹ lại tự trấn an: "Nào nào, mình phải thật bình tĩnh, không ai đau thay cho mình được, cố gắng tí nó lại hết. Đỡ thật". Lúc này mẹ đã mở 4 phân.
Về phòng, mẹ mới thực sự thấy đau, mẹ cuống cuồng hít thở hít thở, thổi như thổi nến, đau xoắn cả 2 chân vào, vã cả mồ hôi, nào nào, cố lên nào. Càng đau tức là càng mở, sắp sinh rồi.
Lại vào khám.
Bác sĩ nói:"Em mở được 5p rồi nhé. Nằm ở đây luôn.
Mẹ vẫn cố nói: "Em muốn về phòng có chồng với mẹ động viên cho đỡ ạ.
Bác sĩ bảo mẹ: "Thế em bảo chồng với mẹ đỡ đẻ luôn cho nhé, phải nằm ở đây các chị mới theo dõi được chứ!"
Nằm lại, cơn đau bây giờ mới bắt đầu thực sự kinh khủng, lại hít sâu, không ăn thua nữa rồi, đầu mẹ bắt đầu bị hoang mang, đau, tay bám chặt lấy cái 2 bên giường, đau quặn người lên, thèm rặn, cơn thèm rặn không tự chủ bắt đầu tới. Chưa bao giờ cảm thấy được đi nặng lúc này là hạnh phúc vô cùng. Dù đau lắm nhưng mẹ vẫn đủ lí trí để nghĩ: "Mình không được rặn, phải kiềm chế. Cố, cố hết sức".
Bà tranh thủ bác sĩ không có mặt lén vào lau mồ hôi cho mẹ, đau quá, thèm rặn quá, bấu chặt lấy bà, không nói được nữa. Rồi bà bị bắt ra ngoài, còn mỗi mình mẹ trong phòng đẻ. Lúc này là 12 giờ đêm, cơn đau càng ngày càng dồn dập, cơn rặn không thể tự chủ tấn công, cố nhịn nhưng không thể, chân xoắn lại, căng cơ, giật đùng đùng như động kinh. Cố lắm mà vẫn phải rặn trộm vài cái, mặc dù bác sĩ đã dặn "tuyệt đối không được rặn".
Cố gắng lắm, nghĩ sắp sinh thật rồi. Bà nội lại vào thấy mẹ cứ giật giật gọi bác sĩ "cháu nó muốn rặn lắm rồi!".
Bác sĩ vào bấm ối, bắt đầu hít thở thật sâu và rặn không được mở mồm, không phát ra tiếng kêu. Cái này mình biết vì ở nhà đã tập dượt suốt, nắm vững kiến thức cơ bản. Rặn đúng 7 hơi em bé tòi ra, lúc rặn bị cắt tầng sinh môn. Nhưng không sao con ạ, bởi mẹ đang sung sướng vì được rặn (Phải nói cảm giác được rặn đẻ lúc này sướng vô cùng nên cái việc rạch kia, cảm thấy nghe như tiếng kéo cắt gân bò" roẹt". Ngọt tiếng, không vấn đề gì, đang sướng vì được thoả cơn rặn, mẹ không thấy đau luôn).
Em bé ra đời sau 7 hơi, tính ra mình bắt đầu đẻ chưa đến 5phút. 0 giờ 32 phút, chào mừng con gái đến với thế giới này. Su 3kg và rất đáng yêu. Trộm vía con!
Lôi ra khỏi bụng, cảm giác nhẹ cả người. Em bé nằm trên bụng, xanh xanh, bắt đầu ọ oẹ .
Con mẹ có lúm đồng tiền 2 bên nhé, rất xinh xắn nữa! Được gặp con, mẹ quên hết những cơn đau đến chết đi sống lại vừa xong.
Bác sĩ làm nốt những công đoạn cuối cùng: Ấn nhau, khâu vết rạch rồi vệ sinh cho mẹ. Rồi mẹ nằm tiếp 90 phút trong phòng đẻ, con có phản xạ đòi bú. Rồi mãi 2 mẹ con mới được về phòng gặp mọi người.
Bố đón con đầu tiên, nhìn 2 bố con mà mẹ hạnh phúc ngập tràn.
Cảm ơn con gái đã cho mẹ được làm thiên chức thiêng liêng này!"
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi nào vợ tôi cần tiêm vaccine uốn ván? Độc giả Minh Thuận
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tiên, duy trì suốt đời.
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa. Tôi nghi ngờ bà nhiễm sán, xin hỏi bác sĩ bệnh có những dấu hiệu cụ thể nào? Độc giả Minh Đăng
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.