Có nên ‘câu giờ’ các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo?

Thời gian gần đây, chỉ sau một cuộc gọi hay tin nhắn nhiều người sử dụng điện thoại di động đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo. Kẻ xấu giả mạo các cơ quan Nhà nước hay tổ chức, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Người dùng liên tục nhận được các tin nhắn giả mạo ngân hàng, yêu cầu truy cập vào đường link có sẵn để thực hiện các giao dịch hay các cuộc gọi mạo danh "Cục Cảnh sát giao thông" yêu nộp phạt, "Bộ Thông tin và Truyền thông" thông báo thuê bao điện thoại của bạn sẽ bị khóa và yêu cầu liên hệ tổng đài để được hỗ trợ...

Nhiều người bị tin nhắn rác, cuộc gọi rác "khủng bố" thường xuyên.

Chính những tin nhắn, cuộc gọi như thế này đã có nhiều nạn nhân "sập bẫy" của các đối tượng lừa đảo, tự chuyển tiền hoặc bị mất quyền kiểm soát SIM điện thoại, tài khoản ngân hàng, gây thiệt hại từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.

Khi gặp cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người thắc mắc, nên "câu giờ" hay tắt đi luôn? Câu trả lời là không nên nghe hoặc nhỡ bấm nút nghe thì tắt luôn.

Kẻ lừa đảo không thể chiếm đoạt thông tin cá nhân của người dân chỉ thông qua việc nhấc máy và thảo luận "câu giờ". Tuy nhiên, trong quá trình trò chuyện, người dân có thể dễ dàng bị dụ dỗ, đe dọa hoặc bị bôi nhọ, từ đó tạo ra những tác động tiêu cực và hậu quả không lường trước được.

Làm gì khi thường xuyên bị số lạ quấy nhiễu, làm phiền?

Khi phát hiện có cuộc gọi hoặc tin nhắn lừa đảo, người dân cần bình tĩnh và tuyệt đối không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào của đối tượng. Trong trường hợp đối tượng có hành vi đe dọa, người dùng cần thông báo ngay đến cơ quan công an để họ có thể phối hợp xử lý.

Để chủ động phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua các dấu hiệu như:

Các cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an, kiện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra… Theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

Người dùng điện thoại nên cảnh giác với các đầu số lạ gọi tới, vì những cuộc gọi này rất dễ là lừa đảo.

Người sử dụng điện thoại nên cảnh giác với các cuộc gọi nhỡ quốc tế. Các cuộc gọi, tin nhắn quốc tế đến sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc dãy số 00 ở đầu, hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam), ví dụ như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)… Các cuộc gọi này được nháy máy từ thuê bao nước ngoài tới các số điện thoại di động trong nước nhằm mục đích lừa đảo để người sử dụng gọi lại và phát sinh cước viễn thông rất cao. Do đó, nên cân nhắc khi gọi lại các cuộc điện thoại có đầu số quốc tế nếu không phải từ người quen biết.

Cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng: Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo của chúng thường là: Thông báo thông tin giả về việc trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp mật khẩu OTP khách hàng hay lấy lý do nào đó yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

Khi nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần thực hiện phản ánh tới đầu số 156.

Phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo như thế nào?

Lhi nhận tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gọi tới đầu số 156 hoặc người dân cũng có thể gửi tin nhắn phản ánh cuộc gọi lừa đảo thông qua đầu số 156 để nhà mạng sẽ có biện pháp sàng lọc, xác minh, thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp xử lý kịp thời.