Ho là dấu hiệu phổ biến của nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có ung thư phổi. Ảnh: Thesun.

Mùa đông có thể gây ra một số bệnh tật và nhiễm trùng như cảm lạnh thông thường, cúm và Covid-19. Đối với hầu hết bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, ho là triệu chứng phổ biến có thể kéo dài hàng tuần, đôi khi thậm chí hàng tháng.

Nhưng khi nào bạn nên bắt đầu lo lắng vì bị ho? Hay ho dai dẳng, liên tục có thể là điều gì đó nghiêm trọng hơn? Nó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi hay không?

Triệu chứng ung thư phổi phổ biến

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi người có triệu chứng khác nhau đối với bệnh ung thư phổi. Một số người có các triệu chứng liên quan đến phổi. Một số người bị ung thư phổi đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn) có những triệu chứng cụ thể ở cơ quan đó.

Ung thư phổi không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sớm nhất mà thường xảy ra khi bệnh đã tiến triển. Các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh bao gồm ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu, mệt mỏi nghiêm trọng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau đầu, khàn tiếng.

Dấu hiệu ho bất thường

Theo India Times, mặc dù là một trong những triệu chứng hàng đầu của ung thư phổi, ho có thể cảnh báo nhiều bệnh tật và nhiễm trùng khác, đặc biệt trong thời tiết lạnh giá này, các loại virus đường hô hấp phát triển mạnh, khiến nhiều người hoang mang.

Tuy nhiên, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), không nên coi thường triệu chứng ho kéo dài không biến mất sau 3 tuần. Cơ quan này khuyến cáo người bệnh nên đi khám bác sĩ vì nó có thể do ung thư phổi. Ngoài ra, nếu ho kèm theo đau nhức, đó có thể là dấu hiệu đáng lo ngại và bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa phổi ngay lập tức.

Theo Mayo Clinic, ung thư phổi có thể gây chảy máu trong đường thở, khiến bạn bị ho ra máu. Thông thường, trong giai đoạn 1 của bệnh ung thư phổi, người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi ho ra máu hoặc đờm dính máu, điều này cảnh báo mức độ bệnh nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, một số triệu chứng liên quan đến ung thư phổi cũng có thể xảy ra với các bệnh khác, đó là lý do CDC khuyên bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn tìm ra nguyên nhân. Theo NHS, trong trường hợp bạn có bất kỳ triệu chứng chính nào của bệnh ung thư phổi hoặc dấu hiệu ít phổ biến hơn, bạn cũng cần được thăm khám.

Những người có rủi ro mắc ung thư phổi

Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, mặc dù ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc chết vì ung thư phổi cao gấp 15-30 lần so với người không hút thuốc. Thậm chí, hút vài điếu thuốc mỗi ngày hoặc thỉnh thoảng hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá bạn hút. Nếu bạn bỏ thuốc lá, ngay cả sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư phổi.

Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi. Ảnh: Lashkar.

Ngoài hút thuốc lá, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi ở một người, bao gồm:

- Khói thuốc thụ động: Khói từ thuốc lá điếu, tẩu thuốc hoặc xì gà của người khác (khói thuốc thụ động) cũng gây ung thư phổi. Khi một người hít phải khói thuốc thụ động, điều đó như người đó đang hút thuốc.

- Radon: Đây là loại khí tự nhiên hình thành trong đá, đất và nước. Nó không thể được nhìn thấy, nếm hoặc ngửi. Khi radon xâm nhập vào nhà hoặc tòa nhà qua các vết nứt hoặc lỗ hổng, nó có thể bị mắc kẹt và tích tụ trong không khí bên trong. Những người sống hoặc làm việc trong những ngôi nhà và tòa nhà này hít thở mức radon cao. Trong thời gian dài, radon có thể gây ung thư phổi.

- Các chất khác: Một số chất được tìm thấy tại nơi làm việc làm tăng rủi ro bao gồm amiăng, asen, khí thải động cơ diesel, một số dạng silica và crom. Đối với nhiều chất này, nguy cơ mắc ung thư phổi thậm chí còn cao hơn đối với những người hút thuốc. Sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh: Nếu từng mắc ung thư phổi, bạn dễ bị tái phát hoặc nhiễm loại ung thư phổi khác, đặc biệt nếu bạn hút thuốc. Nguy cơ mắc ung thư phổi có thể cao hơn nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con cái của bạn bị ung thư phổi.

- Xạ trị vùng ngực: Những người sống sót sau ung thư đã xạ trị vùng ngực có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn.