Bún là loại thực phẩm truyền thống và được sử dụng thường xuyên trong các gia đình và nhiều nhà hàng. Trong làng ẩm thực châu Á, bún tươi là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm. Bún được làm từ tinh bột gạo tẻ, tạo sợi qua khuôn và được luộc chín trong nước sôi. 

Bún là thực phẩm đang bị cảnh báo về tình trạng nhiễm hàn the thì hóa chất cực độc Tinopan (huỳnh quang) cũng từng được phát hiện tại các cơ sở sản xuất bún. Theo các chuyên gia, Tinopan là một hóa chất dùng trong công nghiệp để tẩy rửa làm trắng giấy, vải sợi… tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm. Hóa chất này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tác động đến quá trình sinh tổng hợp các chất dinh dưỡng trong tế bào, đặc biệt là tổng hợp protein. Vậy đâu là cách nhân biết bún đã qua hóa chất mà người tiêu dùng nên tránh xa? 

Nhìn vào màu sắc của sợi bún 

Bún được làm từ gạo nguyên chất, có sợi màu trắng đục hoặc tối màu. Ngược lại, bún chứa hàn the hay hóa chất bảo quản sẽ có màu trắng trong, sáng và sợi bún có độ bóng mẩy.

Chạm vào bún

Bún không chứa hàn the, hóa chất, sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Bún chứa hàn the, sợi bún dai giòn hơn, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo do đã sử dụng hàn the và hóa chất giúp sợi bún dai, giòn hơn.

Ngửi

Thông thường, bún không chứa hàn the có mùi hơi chua dịu, không quá nặng mùi. Đây là mùi chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm trong quy trình chế biến bún.

Bún chứa hàn the sẽ không có mùi chua dịu của gạo ngâm. Nếu bún để ngoài chợ tới cuối ngày với nhiệt độ cao mà không có mùi chua, thì nhiều khả năng bún đã sử dụng hàn the và hóa chất. Loại hóa chất chống hỏng được phép sử dụng nhưng phải trong liều lượng cho phép.