Ăn chậm, nhai kỹ

Mục đích của việc nhai là nghiền nhỏ và trộn đều thức ăn với nước bọt trước khi đưa chúng vàodạ dày.

Khi ăn quá nhanh, thức ăn không được nghiền đủ nhỏ mà đi thẳng vào dạ dày với kích thước lớn sẽ làm trầy xước niêm mạc đường tiêu hóa, bắt dạ dày phải làm việc nhiều hơn, kích thích tiết nhiều dịch vị dạ dày. Việc này có thể dẫn tới tình trạng viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính, trào ngược thực quản.

Ngoài ra, khi ăn quá nhanh, hệ thần kinh sẽ không kịp phản ứng để báo cảm giác no. Khi đó, bạn có xu hướng ăn quá nhiều so với mức cần thiết và có thể gây khó chịu, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, dạ dày và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Ăn ít vào buổi tối

Buổi tối là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi, không tham gia nhiều hoạt động tốn năng lượng. Nạp quá nhiều thực phẩm sau 7 giờ tối sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả, gây ra chướng bụng, khó ngủ.

Ăn đủ 3 bữa một ngày và ăn ít vào bữa tối sẽ mang lại lợi ích cho đường tiêu hóa.

Không bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nó giúp bổ sung năng lượng cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, bữa ăn này còn có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày và thúc đẩy chức năng đường tiêu hóa.

Thường xuyên bỏ bữa hoặc các bữa ăn cách nhau quá xa sẽ làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây ra các bệnh mãn tính.

Ăn rau xanh

Thường xuyên ăn rau xanh có tác dụng giảm mỡ máu, duy trì huyết áp. Nghiên cứu chỉ ra rằng, rau xanh có tác dụng góp phần tăng tuổi thọ. So giữa những người cùng tuổi, thường xuyên ăn một đĩa rau xanh mỗi ngày có nguy cơ tử vong giảm rõ rệt.

Tránh xa rượu bia trong khi ăn

Uống rượu bia mang lại nhiều vấn đề cho sức khỏe. Thường xuyên uống rượu bia trong khi ăn có thể gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày, viêm tụy.