Chị P.T.A., 32 tuổi ở Sơn La nhiều năm nay đi lại khó khăn do thân hình quá khổ nặng tới 115 kg, BMI lên tới 41. Tình trạng béo phì nghiêm trọng còn khiến chị bị tiểu đường, các nếp gấp da thường xuyên bị hăm, có mùi hôi khó chịu.

Trong cuộc sống thường ngày, chị cũng khó thực hiện tư thế ngồi do thành bụng dày mỡ và da thừa nhiều.

Chị A. chia sẻ, trước khi lấy chồng, chị nặng 49 kg với chiều cao 1,6 m. Tuy nhiên sau khi sinh con đầu năm 22 tuổi, chị tăng thêm 32 kg lên 82kg và sau sinh lần 2, cân nặng tiếp tục vượt qua mốc 85 kg rồi tiếp tục tăng thêm 30 kg trong vài năm qua.

Bệnh nhân đã tham khảo giảm cân bằng nhiều cách nhưng đều thất bại do bị hiện tượng hạ đường huyết. Chị A. cũng từng có ý định phẫu thuật cắt dạ dày hay đặt đai nhưng bác sĩ không đồng ý do sức khoẻ không cho phép.

Trong cuộc sống hàng ngày, chị A luôn mặc cảm với thân hình thừa cân của mình khi đi cạnh chồng cao gầy. Nhiều lần chị ngậm ngùi từ chối đi dự các sự kiện cùng chồng vì tự ti, sợ chồng xấu hổ. Nhiều lúc chị thấy tuyệt vọng vô cùng.

Chị A. luôn mặc cảm vì cơ thể quá khổ của bản thân

Cách đây 5 tháng, qua người quen giới thiệu, chị tìm gặp BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện E để tư vấn tạo hình cơ thể.

BS Minh khuyên bệnh nhân về áp dụng các chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như tham khảo các phương pháp can thiệp ngoại khoa để giảm cân. Bệnh nhân lựa chọn phương pháp tuân theo chế độ ăn cùng bác sĩ dinh dưỡng và giảm được 10 kg trong vòng 5 tháng.

Mới đây bệnh nhân quay lại bệnh viện tha thiết xin cắt bớt da thừa và hút bớt mỡ thừa tối đa có thể để vận động dễ dàng hơn.

Với những mong muốn chính đáng của bệnh nhân, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện E đã quyết tâm đưa ra phương án điều trị thích hợp và an toàn nhất cho bệnh nhân, với mong muốn sớm giúp cho bệnh nhân trở lại với cuộc sống bình thường.

Ngày 13/10, chị A. thực hiện ca phẫu thuật tạo hình thành bụng và hút mỡ kéo dài hơn 5 giờ. Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, BS Minh cho biết, điểm khó khăn của ca mổ là thể trạng bệnh nhân quá béo, lượng mỡ nhiều, kèm theo đái tháo đường đang được điều trị insulin … vì vậy việc hồi sức sau mổ sẽ rất khó khăn, chậm liền vết mổ do đường huyết tăng cao.

“Trong hầu hết các trường hợp có cả thừa da và mỡ thừa thành bụng, chúng tôi sẽ kết hợp phẫu thuật nhằm cắt bỏ da thừa, tạo hình lại cân thành bụng và hút mỡ giúp thành bụng mỏng hơn đồng thời loại bỏ các vùng mỡ thừa tại vùng eo để làm vòng 2 thon gọn hơn”, BS Minh chia sẻ.

BS Minh lưu ý, khi cắt loại bỏ da thừa thành bụng cần chú ý không cắt quá nhiều nếu không sẽ không đóng thành bụng lại được, nếu cố đóng dễ có nguy cơ hoại tử vùng da mới được tạo hình. Vì vậy tạo hình thành bụng cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Trong ca phẫu thuật, bệnh nhân được cắt bỏ 3,2 kg mỡ thừa vùng bụng và hút thêm 2 lít mỡ ở bụng và vùng nách.

4 ngày sau phẫu thuật, hiện sức khoẻ bệnh nhân ổn định, các chỉ số sinh tồn, mạch huyết áp bình thường, đường huyết duy trì 6-7 mmol/l. Dự kiến bệnh nhân có thể kiến xuất viện trong một vài ngày tới.

BS Minh cùng ekip thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

Tuy nhiên, BS Minh cũng cảnh báo bệnh nhân hoàn toàn có khả năng béo trở lại nếu không có chế độ ăn uống và tập luyện tích cực sau phẫu thuật.

Theo BS Minh, một người bình thường có chỉ số BMI trên 25 được xác định mắc béo phì, nếu BMI trên 40 là béo phì độ 3 – mức cao nhất.

Ngoài ảnh hưởng sinh hoạt, vận động hàng ngày, béo phì còn gây ra bệnh tim, trầm cảm, tiểu đường, rối loạn lipid máu dễ đột quỵ, gan nhiễm mỡ, bệnh xương khớp, thoái hoá khớp, nguy cao mắc các bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung…

Khi bị béo phì, cách tốt nhất là thực hiện giảm cân khoa học thông qua dinh dưỡng, tập luyện. Trường hợp giảm cân không hiệu quả mới tính đến các phương án can thiệp phẫu thuật.