Năm 2014, chị Đ.T.T (sinh năm 1979, quê An Giang) phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Chị T. đã chạy chữa ở một bệnh viện chuyên khoa sâu, được bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy khối u. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật  đã bị hoãn lại vì chị bị trụy tim mạch, suy tuần hoàn khi bắt đầu khởi mê. Từ đó, chị T. chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn chưa được mổ do nguy cơ tai biến gây mê hồi sức cao. Chị T. đành chấp nhận sống chung với nghịch cảnh khối u ngày càng lớn nhanh trong ổ bụng.

Bệnh nhân với khối u khổng lồ - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cuối tháng 4/2018, sau khi dùng bữa tối, chị T. cảm thấy bụng đau quặn, khó thở phải vào Bệnh viện khu vực Châu Đốc cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục chuyển lên BV Đại học Y dược (ĐHYD) điều trị. Tại đây, người bệnh được thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết. Đội ngũ bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa: Phụ sản, Tiêu hóa Nội tiết, Lồng ngực mạch máu, Tim mạch, Hô hấp… và đặc biệt là chuyên khoa Gây mê hồi sức đã gấp rút hội chẩn, đánh giá toàn diện tiền sử bệnh và tình trạng hiện tại của người bệnh. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và cân nhắc kỹ lưỡng những phương án điều trị, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật bóc tách khối u cho chị T. ngay sáng hôm sau.

Cận cảnh phẫu thuật - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau hơn 6 giờ ròng rã, ca phẫu thuật đã thành công vượt sự mong đợi của ê kíp. Khối u khổng lồ gồm 48 lít dịch (được chứa trong 12 bình có thể tích 4 lít) và 3kg vỏ đã được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh một cách an toàn với đường mổ nhỏ chỉ 10cm. Sau đó, chị T. đã hồi tỉnh, các chỉ số tim mạch, huyết áp và hô hấp ổn định, ăn uống bình thường. Hiện tại, sức khỏe của chị đã phục hồi và chuẩn bị xuất viện.

Theo ThS BS. Lê Thị Kiều Dung, Trưởng Khoa Phụ sản BV ĐHYD, người trực tiếp phẫu thuật hút dịch và lấy khối u của chị T. cho biết, suốt 34 năm làm nghề, đây là lần đầu bác sĩ Dung chứng kiến người bệnh có thể sống với khối u khổng lồ đến thế trong ổ bụng. Vì đây là u dính nên cả ê kíp phẫu thuật phải cẩn trọng bóc tách từng milimet khối u ra khỏi thành bụng. Khó khăn trong ca phẫu thuật này là khối u quá to, gây nên tình trạng chèn ép phổi. Vì vậy, dịch khối u phải được lấy ra từ từ từng chút để áp suất chèn ép nội tạng giảm chậm rãi. Trong quá trình phẫu thuật nếu bác sĩ không cẩn thận và thiếu kinh nghiệm có thể dẫn đến việc người bệnh suy hô hấp, hoặc áp suất chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi gây rối loạn huyết động học.

Dịch và khối u được lấy ra - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS BS. Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức chia sẻ: “Người bệnh từng có tiền sử trụy tim mạch, ngưng tuần hoàn khi được gây mê ở lần mổ trước nên chúng tôi đã cẩn thận đánh giá toàn diện những yếu tố nguy cơ có thể xảy ra với người bệnh khi gây mê trong lần phẫu thuật này. Với kinh nghiệm dày dặn của các ê kíp bác sĩ và kỹ thuật viên Khoa Gây mê hồi sức cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện và sự phối hợp, hỗ trợ liên chuyên khoa sâu nên chúng tôi đã gây mê hồi sức thành công với phương châm An toàn là số 1 cho người bệnh trong suốt quá trình từ khởi mê, duy trì mê đến thoát mê, hồi sức. Thành công của ca mổ là sự phối hợp nhịp nhàng của hệ thống tổ chức bệnh viện, nhóm phẫu thuật, gây mê hồi sức và các chuyên khoa sâu….”