Chạy xe ôm kiếm tiền nuôi mẹ

Hơn 5 tháng chạy xe ôm công nghệ, chị Huỳnh Thị Hồng (54 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) dần yêu thích công việc và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. 

Gần 30 năm ở nhà chồng nuôi, chị Hồng quyết định “khởi nghiệp” bằng nghề chạy xe ôm công nghệ. Lý do chị bắt đầu công việc này ở tuổi trung niên là để kiếm tiền nuôi mẹ.

Chị Hồng chia sẻ: “Mẹ của mình thì mình nuôi, cũng không có gì phải tự hào. Hồi trước, tôi ở nhà, mỗi tháng chồng cho 4 triệu đồng để lo cho mẹ. Dù chồng không khó dễ nhưng lâu dần, tôi cũng thấy ngại, mình phải có lòng tự trọng chứ, mẹ của mình mà. Vậy là, tôi quyết định chạy xe ôm, tự mình kiếm tiền nuôi mẹ”.

Bà Hoa có những ngày tháng vui vẻ bên con gái. (Ảnh: Ngọc Lài).

Bà Huỳnh Thị Kim Hoa (91 tuổi), mẹ của chị Hồng về ở cùng con gái khoảng hơn 1 năm nay. Trước đó, bà có hơn 15 năm sống trong chùa. 

Giữa tháng 8/2021, chùa liên lạc với chị Hồng báo tin “chắc má chị bị nhiễm Covid-19”. Nghe tin, chị tức tốc chạy lên chùa gặp mẹ.

Thật may, qua xét nghiệm, bà Hoa âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, bà cần được cách ly sớm, bởi môi trường ở chùa đang có nhiều người nhiễm bệnh.

Chị Hồng quyết định hỏi ý kiến chồng, rồi rước mẹ về ở trong ngôi nhà tại quận Tân Phú, TP.HCM. 

“Ngôi nhà này của con gái tôi. Từ khi thực hiện 3 tại chỗ, nó ở công ty nên nhà không có ai. Vì vậy, tôi đưa mẹ về đó để chăm sóc”, chị Hồng chia sẻ.

Trở về từ vùng dịch, chị Hồng cũng xác định bản thân sẽ nhiễm Covid-19. Thời điểm này, chị vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Về đến nhà, hai mẹ con chị bị cách ly, mỗi ngày có người mang thực phẩm đến để trước cửa. 

Chị Hồng nói: “Từ lúc tôi đưa má về nuôi, bà rất khỏe và không hề nhiễm Covid-19 cho đến giờ. Vậy mà, tôi lại nhiễm Covid-19 hai lần”.

Hai lần nhiễm bệnh, chị Hồng vừa chống chọi các triệu chứng sốt, ho… của Covid-19, vừa nấu ăn cho mẹ. Có hôm, dù đang sốt mà thấy đến giờ cơm trưa của mẹ, chị cũng phải cố gắng đi từ gác xuống bếp nấu nướng.

Nấu xong, chị dọn cơm ra cho mẹ, rồi lại chạy lên gác. Chị sợ lây bệnh cho mẹ nên không dám nói chuyện.

Nữ tài xế xe ôm công nghệ mong muốn góp sức giúp giới trẻ yêu văn học. (Ảnh: Ngọc Lài).

Hiện tại, mỗi ngày, chị Hồng dậy sớm đi chợ, lo cơm nước cho mẹ. Sau đó, chị thay đồng phục đi làm. Thông thường, chị sẽ chạy xe đến khoảng 21-22h mới về nhà.

Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Hoa chỉ còn mỗi sở thích đọc báo. Đến trưa, bà tự lấy cơm ăn. Bà bị lãng tai nặng, chân lại đau. Cho nên, bà không ra khỏi nhà. Nếu có đi đâu, bà sẽ nhờ chị Hồng chở.

Bà Hoa cho biết: “Về đây sống rất buồn, nhà nào cũng đóng cửa, không có ai nói chuyện. Con gái lo đầy đủ nhưng thiếu bạn bè nên tôi buồn. Nghe nói, nhiều bạn bè của tôi ở chùa mắc Covid-19 mà chết. Tôi may mắn được con gái rước về chăm sóc, nếu không thì chắc cũng không qua khỏi”.

Sau khi tròn chữ hiếu, chị Hồng sẽ thực hiện hành trình đi phượt xuyên Việt bằng xe máy, thỏa ước mơ bao năm chị ấp ủ.

5 phút làm được một bài thơ

Lúc mới vào nghề, chị Hồng hoàn toàn không biết đường sá, chỉ đi theo hướng dẫn trên bản đồ google. Khi làm việc, chị không thấy mệt nhưng sáng hôm sau thường rơi vào tình trạng thức dậy không nổi.

Nhiều lúc, chị phải đứng dưới mưa chờ khách hơn một tiếng đồng hồ hoặc chở khách đi các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương…

Những chuyến xe đêm cũng khiến người phụ nữ hiếu thảo này lo lắng, sợ cướp dàn cảnh. Thậm chí, nhiều khách hàng xử lý không thỏa đáng, chị vẫn chấp nhận thiệt thòi.

Để có sự lạc quan trong công việc và cuộc sống, chị Hồng thường trút cảm xúc vào từng vần thơ. Chị nói: “Tôi viết nhật ký bằng thơ. Hiện tại, tôi sở hữu hơn 1.000 bài thơ tình”.

Chị vội lên căn gác nhỏ, mang xuống 3 cuốn thơ tình dày cộm. Việc in ấn và thiết kế bìa, ruột sách… đều tự chị mày mò thực hiện.

Trên trang Facebook cá nhân, chị cũng lưu lại đều đặn những bài thơ dưới chế độ một mình như một cách viết nhật ký.

Thơ của chị rất dung dị, dễ cảm, lưu lại những rung động, ý kiến của chị về các vấn đề thời sự.

Thời điểm mới vào nghề, trực tiếp trải nghiệm công việc với những vất vả đặc trưng, cảm xúc dâng lên, chị vội ghi chép vào cuốn sổ. Nhọc nhằn về nghề chạy xe ôm công nghệ được chị khắc họa qua nhiều sáng tác.

Có sở trường và đam mê làm thơ, cho nên, lúc nào chị Hồng cũng mang bút và cuốn sổ nhỏ theo bên cạnh. 

Khi giao hàng, nếu có cảm xúc chị sẽ dừng lại, viết ngay vào sổ. Còn khi chở khách, thơ bật ra, chị sẽ đọc nhẩm cho thuộc lòng. Đến điểm trả khách, chị tấp vội vào lề, chép lại bài thơ vừa sáng tác trên đường.

“Tôi có thể làm thơ chỉ trong vòng 5 phút nếu có cảm xúc. Thơ của tôi xoay quanh chữ tình. Cái gì khiến tôi rung động thì đều có thể thành thơ. Người ta viết nhật ký bằng văn xuôi, còn tôi lưu lại kỷ niệm mỗi ngày bằng thơ”, chị Hồng bộc bạch.

Ví như, trong mùa dịch bệnh Covid-19, chị Hồng sáng tác nhiều bài thơ ghi lại cảm xúc bản thân, như:  Con đường ngủ yên, Tạm biệt Sài Gòn, Sài Gòn đau thương…

Trò chuyện về thơ, người phụ nữ này có thể nói bất tận, ánh mắt luôn rạo rực, hạnh phúc. Chị yêu thơ một cách hồn nhiên như tình yêu dành cho chồng, cho cha mẹ, cho quê hương…

Chị Hồng bắt đầu làm thơ từ năm lớp 10. Bài thơ gần nhất mà chị tâm đắc là bài thơ tặng chồng nhân 30 năm ngày cưới.

Ngày còn đi học, bạn bè thường gọi chị là nhà văn, còn chị lại ước mình trở thành cô giáo dạy Văn. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khiến chị không thể biến ước mơ thành sự thật.

Ước mơ làm cô giáo có thể dừng lại nhưng đam mê làm thơ thì chưa bao giờ có điểm cuối. Chị tự hào bản thân không có gì ngoài thơ, chẳng có gì để nói ngoài thơ.

Chị còn tự mình cảm tác, chuyển nhiều tác phẩm văn học thành thơ lục bát. Chị đặt tên cho tập thơ là Tình sử Việt, trong đó các bài thơ cảm tác từ nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Lòng dạ đàn bà, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều…

“Hiện nay, giới trẻ không còn hứng thú với văn học. Thế nên, tôi muốn biến các tác phẩm ấy thành thơ lục bát dễ đọc, dễ nhớ. Tất cả đều do tôi cảm tác, không sử dụng bất kỳ câu từ nào của bản gốc”, chị Hồng chia sẻ.

Sau khi hoàn thành tập thơ Tình sử Việt, chị Hồng bỏ tiền túi in thành 20 bản và gửi tặng cho các thầy cô ở trường cũ. Chị hy vọng sách sẽ có ích cho công tác giảng dạy môn Văn.