Không thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng ngừa Covid-19. Ảnh minh họa.

Ăn gì, ăn như thế nào trong mùa Covid-19 chính là câu hỏi mà hầu như ai cũng quan tâm. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng dành cho người hồi phục khỏi Covid-19 cũng là vấn đề được nhiều người chú ý.

Theo TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, dinh dưỡng trong phòng chống Covid-19 chính là cách ăn uống hợp lý theo nguyên tắc đối với từng nhóm, bao gồm: Lứa tuổi; bệnh mạn tính hiện mắc.

“Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất. Ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch. Không có loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa Covid-19”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nâng cao thể trạng cho người nghi nhiễm Covid-19

Theo TS Từ Ngữ, người nghi nhiễm Covid-19 nên ăn theo chế độ bình thường hằng ngày. Bữa ăn bắt buộc có đầy đủ các loại Protein (chất đạm); Lipid (chất béo); Glucid (chất đường bột); Vitamin, chất khoáng; Nước và chất xơ. Đặc biệt, cần tăng cường bổ sung các chất chứa vitamin.

Cũng theo chuyên gia này, những người nguy cơ cao mắc Covid-19 nên tăng cường uống hoặc bổ sung vitamin C. Loại vitamin này có vai trò làm thành mạch vững hơn. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm hoa quả và rau tươi như: Cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt…

Ngoài ra, người có nguy cơ nên bổ sung các chất chống nhiễm khuẩn như sắt, kẽm. Các chất này có trong thịt gia cầm và động vật có vỏ, hải sản như: Hàu, cua, sò... Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng vô cùng giàu sắt.

Đồng thời, cần bổ sung các hoạt chất chống oxy hóa như thực phẩm chứa nhiều omega3; omega6 ở dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt...

TS Ngữ gợi ý, người nghi nhiễm Covid-19 có thể bổ sung các thực phẩm chứa nhiều tinh dầu như: Hành, tỏi, nghệ… Bởi, các thực phẩm này chứa chất tinh dầu và có chức năng sát khuẩn.

“Về nguyên tắc, nên ăn uống những loại thực phẩm có thể giúp nâng cao thể trạng. Trong đó, cần bảo đảm cung cấp đủ protein, các loại vitamin tan trong nước, các vitamin tan trong dầu kẽm như Beta-caroten; vitamin A. Tiếp đến là các khoáng chất như kẽm”, TS Từ Ngữ cho hay.

Chuyên gia nhấn mạnh, đối với người cao tuổi mắc bệnh nền, tùy từng trường hợp, bác sĩ dinh dưỡng sẽ chỉ định chế độ ăn khác nhau. Người cao tuổi khỏe mạnh có thể ăn uống theo đường tự nhiên. Người cao tuổi ốm yếu, không ăn được theo đường tự nhiên, có thể áp dụng kỹ thuật như ăn qua xông hoặc đường tĩnh mạch…

Với người mắc Covid-19 đang được điều trị trong bệnh viện và không ăn uống được bằng đường tự nhiên, họ có thể được nuôi dưỡng qua đường miệng. Trường hợp không thể tự nhai, người bệnh có thể ăn qua xông, hoặc qua đường ép ra nước. Trong khi đó, bệnh nhân nặng hơn nữa có thể được ăn qua đường tĩnh mạch.

Giúp cơ thể nhanh hồi phục

Tính đến 18 giờ ngày 21/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Trong đó, số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.929. Trong đó, có 168 người cách ly tập trung tại bệnh viện, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.678 trường hợp và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.083.

TS Từ Ngữ cho biết, các trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh và khỏe mạnh vẫn ăn theo chế độ ăn thông thường. Trong khi đó, bệnh nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc theo chế độ đặc biệt sau khi khỏi bệnh, cần ưu tiên chế độ ăn giúp nhanh hồi phục.

Theo đó, người hồi phục cần cung cấp đủ thực phẩm giàu năng lượng, protein, các protein chất lượng cao có trong thịt, cá, động vật. Tuy nhiên, những người mắc nhiều bệnh nền cần bổ sung protein trong cá, thịt trắng nhiều hơn trong thịt đỏ.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đủ các thực phẩm có chứa vitamin, khoáng chất, các loại rau, củ, quả. Đặc biệt cần tăng cường các loại hoa quả.

“Cần bổ sung các chất theo nguyên tắc: Protein hằng định là 13%. Nên sử dụng dầu ăn từ thực vật. Sử dụng Glucid dạng thô, không dùng các loại Glucid tinh. Chẳng hạn, không nên ăn các loại gạo xay xát trắng quá, có thể ăn gạo kết hợp với các loại đậu đỗ”, chuyên gia gợi ý.

Đặc biệt, người cao tuổi được khuyến cáo bổ sung đủ nước, chất xơ. Người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền nên hạn chế các thực phẩm không tốt, không thích hợp với từng thể trạng bệnh. Những người này có thể ăn chia theo nhiều bữa trong một ngày, như: Sáng 9 - 10 giờ/bữa, trưa 12 giờ/bữa, chiều 14 - 15 giờ/bữa, tối 18 - 19 giờ/bữa. Thức ăn nên được nấu mềm.

“Tùy vào từng lứa tuổi và loại bệnh, có thể phân chia thành 3, 5 hay 7 bữa/ngày. Ngay cả đối với những trường hợp bệnh nhân ăn qua xông, nếu hệ tiêu hóa của họ tốt, vẫn cần tính toán để ăn đủ 3 bữa. Ngược lại, nếu hệ tiêu hóa của người đó kém, cần phân chia thành 5 bữa/ngày”, TS.BS Từ Ngữ khuyến cáo.