Anh Tần năm nay vừa bước qua tuổi 40. Vốn quen với lao động chân tay từ khi còn trẻ, lại có thân hình cường tráng nên rất khỏe mạnh, ít khi đau ốm.

Cách đây hơn 1 tuần, đang ngủ say thì anh bất giác tỉnh dậy vì thấy trong người rất nóng. Sờ tay xuống áo thấy ướt đẫm cả một mảng lưng dù trời đêm se lạnh. Nghĩ là mình bị cảm khi làm việc ngoài trời, anh uống liền 2 viên thuốc giảm đau rồi đi ngủ tiếp.

Ảnh minh họa
 

Ngày hôm sau, thức dậy anh thấy đầu mình đau "như búa bổ", cả người nặng nề, đo nhiệt độ sốt cao đến 39 độ C. Vẫn chủ quan nên anh tự mua thuốc hạ sốt về uống, sau đó tiếp tục đi làm.

Không ngờ, dùng hết 3 ngày thuốc mà tình trạng của anh vẫn không thuyên giảm. Ngày nào anh cũng trằn trọc vì toát mồ hôi, mỗi đêm phải thức dậy ít nhất 2 lần để thay đồ. Gia đình anh Tần vô cùng lo lắng, liên tục khuyên anh đến bệnh viện nhưng anh nhất quyết cho rằng mình bị cảm lạnh, uống thuốc thêm vài ngày là khỏi.

Cho đến một đêm, anh đột nhiên ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn dữ dội. Người nhà kiểm tra thì thấy mồ hôi ướt sũng cả đồ lót, thấm đẫm cả ga, gối. Không thể chậm trễ thêm được nữa, liền gọi xe taxi đưa anh đến bệnh viện địa phương.

Gần 2 ngày trôi qua, dù đã được khám và dùng thuốc nhưng bệnh tình vẫn không có chuyển biến. Các bác sĩ cũng khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh chính xác. Vì vậy, anh được chuyển tới Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Chiết Giang, Trung Quốc) để điều trị tốt hơn.

Cuối cùng, bác sĩ tại đây kết luận anh bị mắc bệnh nhiễm khuẩn Brucella. Đây là 1 loại vi khuẩn nguy hiểm, chủ yếu lây nhiễm từ động vật sang con người.

Đừng chủ quan với gia súc và các sản phẩm từ gia súc

Bác sĩ Pan Hongying, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm cho biết, khi tới bệnh viện, bệnh nhân có nhiều triệu chứng tương tự nhiễm khuẩn brucella. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đây là 1 bệnh cực hiếm gặp ở tỉnh Chiết Giang. Hơn nữa, các biểu hiện lâm sàng của bệnh brucella hầu hết là sốt, nhức đầu, đau khớp, sụt cân… nhưng rất hiếm ra mồ hôi.

May mắn là trong khi điều tra bệnh sử, ông phát hiện lòng bàn tay của anh Tần có vài điểm khả nghi. Anh giải thích đặc thù công việc khiến tay anh thường bị chai, nứt nẻ và bị xước. Cũng nhờ đó, anh đột nhiên nhớ ra không lâu trước khi phát bệnh, đúng là có bế 1 con cừu nhỏ khi nó bị lạc đàn, nhưng thời gian tiếp xúc rất ngắn ngủi.

Lúc này, Trưởng khoa Pan khẩn trương yêu cầu phòng vi sinh làm xét nghiệm sơ bộ, cho kết quả dương tính Brucella. Sau đó, nhanh chóng hoàn thành thủ tục nhập viện và tiến hành lấy máu và tủy xương để đánh giá tình hình. Sau khi dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định, các triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện ngay lập tức.

Ông giải thích thêm, hầu hết trường hợp bị nhiễm brucella là do dùng sữa chưa tiệt trùng hoặc thịt động vật bị nhiễm bệnh. Nhưng cũng có vài trường hợp hiếm lây lan qua không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Với anh Tần, chính bàn tay có các vết thương hở đã tạo ra điều kiện lý tưởng để loại vi khuẩn nguy hiểm này xâm nhập.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống cơ quan nào trên cơ thể. Trong đó, hệ thống cơ, xương và sinh dục là những thường bị ảnh hưởng sớm nhất, mạnh nhất. Một số ít bệnh nhân phát triển bệnh brucella thần kinh, viêm nội tâm mạc và áp xe gan.

Ông cũng nhắc nhở người chăn nuôi và nhân viên giết mổ nên đeo khẩu trang và găng tay cao su khi tiếp xúc với gia súc. Đặc biệt cẩn trọng khi có vết thương trên tay. Người dân cũng cần lưu ý không uống các loại sữa chưa tiệt trùng, luôn ăn chín, uống sôi, nhất là với thịt gia súc có nguy cơ cao như cừu, bò…