Loãng xương là tình trạng mất mật độ xương ở người lớn tuổi có thể dẫn tới gãy xương gây đau đớn, tàn tật và biến dạng. Mặc dù yếu tố di truyền và kích thước xương ảnh hưởng đến sự phát triển của chứng loãng xương, nhưng thông thường có thể ngăn ngừa, trì hoãn hoặc giảm thiểu quá trình mất xương thông qua một lối sống lành mạnh từ khi còn trẻ.

Theo TS.BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế, loãng xương ở người cao tuổi là một bệnh lý phổ biến, chỉ xếp sau các bệnh lý tim mạch. Hiện nay có khoảng 1/3 số phụ nữ và 1/8 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương. ‎Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.

1. Loãng xương ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người lớn tuổi

Loãng xương là một bệnh không có triệu chứng dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương do chấn thương nhẹ, các vị trí gãy phổ biến bao gồm cổ tay, cột sống và hông. Gãy xương xảy ra ở những khu vực này do ngã từ độ cao đứng hoặc thấp hơn được gọi là gãy xương do yếu và là bằng chứng của bệnh loãng xương.

Gãy xương hông do loãng xương là một vấn đề nghiêm trọng đối với người cao tuổi. Tỷ lệ tử vong tăng lên đáng kể sau khi bị gãy xương hông, nhiều người bị tàn tật vĩnh viễn và dưới 50% người bị chấn thương này có thể phục hồi chức năng. Khoảng 25% bệnh nhân phải chăm sóc dài hạn trong 1 năm hoặc hơn sau khi bị gãy xương hông.

Loãng xương ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống của người cao tuổi.

Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Có khung cơ thể nhỏ
  • Tiền sử gia đình bị loãng xương
  • Sử dụng quá nhiều rượu
  • Hút thuốc lá
  • Thiếu tập thể dục
  • Dùng một số loại thuốc, đặc biệt là steroid và một số loại thuốc chống động kinh
  • Các bệnh về tuyến giáp, hoặc tuyến cận giáp và/hoặc bệnh tuyến thượng thận
  • Rối loạn ăn uống
  • Nồng độ canxi và vitamin D thấp
  • Phụ nữ sau mãn kinh, phụ nữ mãn kinh sớm hoặc đã từng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng trước khi mãn kinh
  • Nam giới có mức độ thấp của nội tiết tố nam testosterone hoặc đã điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm mức testosterone

Thường không có dấu hiệu cảnh báo loãng xương cho đến khi gãy xương xảy ra. Tuy nhiên, có nhiều cách giúp ngăn ngừa, trì hoãn và điều trị chứng loãng xương.

2. Người cao tuổi bổ sung quá nhiều canxi - lợi bất cập hại

Ở độ tuổi trung niên trở ra đến cao tuổi, việc bổ sung canxi và vitamin D3 quá nhiều sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Sau khi bước sang tuổi trung niên, sự thoái hóa xương luôn mạnh hơn sự tổng hợp xương. 

Thêm vào đó, đối với người cao tuổi hoặc bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan thận thì việc sản xuất các chất kích thích tăng trưởng và hormon tăng trưởng bị suy giảm. Các chất kích thích tăng trưởng này bị thiếu hụt sẽ dẫn tới thiếu hụt protein vận chuyển canxi vào máu, dẫn tới hạn chế khả năng hấp thu canxi.

Như vậy, đối với các đối tượng này, cho dù có bổ sung nhiều canxi và vitamin D3 thì cũng khó hấp thu vào máu mà còn dẫn đến dư thừa canxi trong máu. Nồng độ canxi trong máu dư thừa có thể gây hại cho cơ thể, ví dụ: gây vôi hóa thận, sỏi thận, làm suy giảm chức năng thận, gây rối loạn canxi máu và rối loạn nhịp tim.

Tiến sĩ Samir Kapadia, Giám đốc Khoa tim mạch của Phòng khám đa khoa Cleveland, Ohio (Hoa Kỳ) cho biết: Đối với người lớn tuổi, việc bổ sung canxi không những không hữu ích mà thậm chí có thể gây hại. Quá nhiều canxi trong máu có thể làm yếu xương, tạo sỏi thận và cản trở hoạt động của tim và não. Đã có một số bằng chứng cho thấy lượng canxi hấp thụ cao có liên quan đến tổn thương não.

Ngoài ra, lượng canxi lớn giải phóng nhiều hormone khác nhau gây ra những cơn đau tim, ảnh hưởng đến sự phát triển của tim mạch… giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie, phospho....