Người béo phì có nguy cơ trầm cảm cao hơn bình thường
Không chỉ ảnh hưởng về mặt ngoại hình hay sức khỏe thể chất, tình trạng thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của những người gặp vấn đề này.
Đáng nói hơn, tâm lý căng thẳng lại có tác động ngược đến quá trình giảm cân, buộc người bệnh rơi vào một vòng luẩn quẩn, khó giải thoát.
Mối quan hệ giữa béo phì và stress
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều người bệnh béo phì có tâm lý nôn nóng trong việc tìm phương cách nhất định có thể giúp họ nhanh chóng giảm cân.
Tuy nhiên, trên thực tế, đa số người bệnh thường ngại trao đổi với bác sĩ, chuyên gia về vấn đề cân nặng của mình.
“Sự nôn nóng, chưa hiểu rõ phương pháp điều trị cùng việc có quá nhiều nguồn thông tin chưa chính xác về một số loại thực phẩm chức năng trên thị trường hay những biện pháp hỗ trợ giảm cân truyền miệng có thể khiến người thừa cân, béo phì đưa ra quyết định sai lầm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Sau khi cố gắng áp dụng những biện pháp này nhưng hiệu quả cuối cùng không được như mong muốn, tâm lý của người bệnh lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Mặt khác, BS Mẫn cho hay các yếu tố tâm lý, trong đó có tình trạng căng thẳng, lại là một trong những nguyên nhân chính gây ra béo phì.
“Tình trạng căng thẳng gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen trong cuộc sống hàng ngày một cách tiêu cực. Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất lại chính là việc ăn uống, sinh hoạt và vận động thiếu lành mạnh”, ông giải thích.
Không những vậy, tâm lý căng thẳng còn có thể khiến các chức năng sinh học của cơ thể bị mất cân bằng, từ đây có thể dẫn đến các rối loạn trong quá trình trao đổi chất. Kết quả cuối cùng là tình trạng thừa cân, béo phì.
Đáng nói hơn, khi tình trạng căng thẳng đạt tới mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ rơi vào trầm cảm.
Theo chiều tác động ngược lại, béo phì cũng góp phần gia tăng sự nghiêm trọng của căng thẳng hoặc trầm cảm. Nhiều người béo phì còn phải chịu đựng sự kỳ thị của những người xung quanh. Điều này càng khiến tình trạng căng thẳng hoặc trầm cảm trở nên nặng nề hơn.
Ngoài ra, BS Mẫn cho rằng việc chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân, thậm chí có ý định tự tử cũng là những trở ngại về mặt tâm lý người bệnh béo phì có thể gặp phải.
Hỗ trợ tâm lý là cần thiết
Theo BS Nguyễn Minh Mẫn, một số nghiên cứu đã chứng minh người bệnh béo phì có thể giảm khoảng 5-10% trọng lượng cơ thể ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng khi được điều trị bằng chương trình tập luyện thể chất kết hợp những sự thay đổi chế độ ăn, nhất là các chiến lược thay đổi hành vi, lối sống.
Vị chuyên gia cho biết thêm các bác sĩ tâm lý sẽ có phương pháp can thiệp, giúp người bệnh thay đổi hành vi thành công, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, từ đó hướng đến việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh.
“Những hành động đơn giản này sẽ góp phần tích cực vào hiệu quả của quá trình điều trị béo phì”, BS Mẫn nói.
Cụ thể, với các liệu pháp tâm lý chuyên sâu, các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người thừa cân, béo phì học cách tự quản lý stress, đồng thời chủ động kiểm soát các tác nhân kích hoạt cảm giác thèm ăn, qua đó duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
“Người thừa cân, béo phì qua đây có thể dần thay thế niềm tin hạn chế và tiêu cực về bản thân bằng những niềm tin tích cực, lành mạnh, tìm lại sự tự tin vào bản thân”, ông giải thích.
Việc trị liệu, hỗ trợ tâm lý cần được thực hiện xuyên suốt quá trình điều trị béo phì. Quá trình này sẽ kéo dài từ can thiệp thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc, trước và sau phẫu thuật điều trị béo phì (đối với người bệnh có chỉ định) cho tới việc quản lý cân nặng, duy trì hiệu quả giảm cân.
BS Mẫn nhấn mạnh điều trị béo phì là một quá trình lâu dài. Bên cạnh sự phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị, việc có thành công hay không còn đòi hỏi sự cam kết và quyết tâm của người bệnh.
Dẫu vậy, những liệu pháp và kỹ thuật hỗ trợ tâm lý của các chuyên gia vẫn sẽ là nguồn lực quan trọng, giúp người bệnh vững bước trong hành trình điều trị béo phì, tránh rơi vào các trạng thái tâm lý tiêu cực.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....