Ba kẻ thù của bệnh ung thư

Những thông tin như: Người mắc bất cứ bệnh ung thư (còn gọi là K) thư gì đều phải kiêng hoàn toàn (kiêng suốt đời) 3 thứ: MEAT, MILK AND SUGAR, được mọi người chia sẻ rầm rộ đặc biệt là các bệnh nhân ung thư. Họ tự chia sẻ kinh nghiệm để chống đỡ lại căn bệnh ung thư mình đã mắc phải. Trong đó:

MEAT (Protein): Nhiều người quan niệm protein nuôi sống tế bào ung thư và giúp tế bào ung thư phát triển rất nhanh. Người bệnh nên kiêng ăn các loại thịt động vật 4 chân như: thịt bò, thịt chó...

MILK (Sữa): Kể cả sữa đậu nành cũng không được uống. Sau khi người bệnh uống sữa vào sẽ đi qua niêm mạc ruột tạo thành một lớp nhầy và chính lớp nhầy này sẽ là thức ăn khoái khẩu của tế bào ung thư.

SUGAR (Đường): Đường cũng là thức ăn nuôi sống tế bào ung thư phát triển cực kỳ nhanh.

Chị Đỗ Thị Hương (Hà Nội) bị mắc ung thư đại tràng từ năm 27 tuổi. Đến nay sau 5 năm điều trị bệnh, chị Hương cho biết mình gặp đủ những quan điểm về ăn uống như thế nào để chiến đấu với bệnh ung thư. Khi mới mắc ung thư, sau phẫu thuật bố mẹ chị Hương cũng không cho con ăn trứng, sữa, thịt bò vì sợ ăn tốt quá thì tế bào ung thư lớn nhanh hơn và di căn nhanh hơn.

Bệnh nhân ung thư phải kiêng nhiều thực phẩm - Ảnh chia sẻ trên mạng xã hội

Tuy nhiên, sau 1 tháng, chị Hương suy kiệt không thể truyền hóa chất. Các bác sĩ đã yêu cầu gia đình phải cho bệnh nhân ăn theo bình thường và đảm bảo đủ chất. Lúc này, chị Hương không ngại bất cứ thực phẩm gì. Lúc trước chị kiêng sữa, trứng, thịt bò, thịt những động vật 4 chân thì sau đó chị ăn hết.

Khi ăn uống đủ chất, sức khỏe của chị Hương cũng cải thiện đáng kể và giúp chị vượt qua được 6 chu kỳ hóa chất. Đến nay, sức khỏe của chị Hương tốt hơn. Chị không kiêng sữa, kiêng bất cứ thứ gì mà chỉ thực hiện ăn chín, uống sôi, bỏ các thực phẩm đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích. Mỗi ngày chị vẫn uống 1 cốc sữa bổ sung canxi, các vitamin B.

Kiêng sữa là sai lầm

Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết ông gặp rất nhiều câu hỏi bệnh nhân ung thư có nên kiêng sữa, kiêng đường thậm chí là trứng vịt lộn không. GS Thuấn cho rằng tất cả đều là quan điểm sai lầm.

Hiện nay, bệnh ung thư đang trở thành đại dịch. Tại Việt Nam, mỗi năm có 125 nghìn ca mắc bệnh và 115 nghìn trường hợp tử vong. Chúng ta đang có khoảng 300 nghìn người sống chung với bệnh ung thư.

Bệnh ung thư là bệnh do tế bào ác tính sinh sôi phát triển và di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Nếu sợ tế bào ung thư sinh sôi phát triển bỏ đói tế bào bằng cách bản thân cũng nhịn ăn thì bệnh nhân chưa tử vong vì ung thư đã tử vong vì suy kiệt.

GS Trần Văn Thuấn - Ảnh: Internet

Quan niệm kiêng sữa là hoàn toàn sai lầm vì trong các nhóm thực phẩm, sữa được coi là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu nhất. Người bệnh không ăn được có thể uống giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Đặc biệt là những người bị suy dinh dưỡng, suy kiệt thể trạng thì sữa là thực phẩm được khuyến nghị cho bệnh nhân ung thư rất tốt.

Hiện nay cũng có sữa chuyên dùng cho người ung thư, đã bổ sung thêm EPA - một acid béo không no, có tác dụng điều trị chứng sụt cân cho bệnh nhân ung thư người bệnh có thể tham khảo sử dụng.

Với bệnh nhân ung thư, Giáo sư Thuấn cho rằng liệu pháp dinh dưỡng cực kỳ quan trọng để bệnh nhân có đủ sức chống đỡ lại các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Đây là những phương pháp điều trị có nhiều tác dụng phụ nhất nếu bệnh nhân không khỏe mạnh, đề kháng kém thì không vượt qua được bệnh này.

Tại Bệnh viện K Trung ương, các bác sĩ thường xuyên gặp những bệnh nhân về nhà nhịn đói với hy vọng tế bào ung thư sẽ chết nhưng thực tế thì cơ thể suy kiệt, ung thư di căn tùm lum chỉ có tế bào lành, tế bào miễn dịch chết.

Nhiều bệnh nhân cũng tham khảo bác sĩ về việc ăn chay trong quá trình điều trị ung thư, GS Thuấn cho rằng ăn bất cứ điều gì cũng phải khoa học, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng bao gồm protein, chất xơ, vitamin, chất béo và glucose, nếu bỏ chất nào thì cơ thể sẽ thiếu chất đó.

Thực tế cho thấy, 50-90% bệnh nhân ung thư sụt cân, hơn 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị suy kiệt và khi đó dinh dưỡng đóng vai trò chủ chốt trong điều trị cho người bệnh.