Ngộ độc vì chủ quan

Một bé trai 27 tháng ở Phú Thọ sốt cao nên bố mẹ cho uống hạ sốt paracetamol 500mg, ngày 4 lần và uống trong vài ngày. Khi vào viện bé trong tình trạng hôn mê, nguy cơ tử vong cao do ngộ độc Paracetamol.

Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội chia sẻ ông gặp nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc paracetamol.

Cháu bé bị ngộ độc thuốc paracetamol - Ảnh BVCC 

Có trường hợp con 1 tuổi bị sốt cao, bố mẹ lấy luôn gói hạ sốt của bé lớn 250 mg cho cháu uống và cứ 3, 4 giờ cho uống 1 lần. Khi vào viện, tình trạng của bé rất nặng do ngộ độc Paracetamol.

Hay có trường hợp bố mẹ lại nghĩ dùng viên hạ sốt đút hậu môn nên không cần quan tâm tới liều lượng và sau khi dùng thuốc trẻ có dấu hiệu vật vã, kích thích, nôn ói được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ định lượng độc chất thì bé bị ngộ độc paracetamol. 

PGS Dũng cho biết paracetamol là thuốc rất phổ thông trong các tủ thuốc gia đình. Đây là thuốc không thuộc nhóm phải kê đơn, vì thế có thể dễ dàng mua từ các nhà thuốc tây. Hoạt chất paracetamol có trong nhiều loại thuốc từ thuốc trị cảm cúm, hô hấp, đau răng, nhức đầu... dễ dàng mua ở bất cứ đâu như Panadol, Efferalgan, Alaxan, Ultracet, Rhumenol, Ameflu...

Dù là thuốc không kê đơn nhưng liều lượng sử dụng paracetamol được khuyến cáo chặt chẽ theo cân nặng của người sử dụng. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ có các hàm lượng khác nhau từ 80mg, 150mg, 250mg… theo từng lứa tuổi và trọng lượng cơ thể.

Bác sĩ Dũng nhấn mạnh tuyệt đối sử dụng theo đúng chỉ định. Với trẻ nhỏ, thuốc này dùng hạ sốt là chính và chỉ dùng khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên và sử dụng 4 tiếng/lần, không sử dụng quá 4 lần/ngày.

Cách tính liều lượng thuốc

Theo bác sĩ Trương Hoàng Hưng, Chuyên khoa Nhi, sống tại Texas (Mỹ), cho rằng ngộ độc thuốc có thể xảy ra ở mọi người, cả người lớn và trẻ em. Việc sử dụng thuốc luôn luôn phải cẩn trọng và có thể gây ngộ độc nếu dùng sai cách.

Cách tính liều lượng thuốc hạ sốt - Ảnh minh họa: Internet

Theo khuyến cáo liều thuốc acetaminophen hay chính là paracetamol liều sử dụng an toàn được ghi rất cụ thể dưới đây:

Sơ sinh dưới 1 tháng: 10-15 mg/kg, uống mỗi 6-8h, tối đa 60mg/kg/ngày từ tất cả mọi nguồn
Trẻ nhỏ tới 11 tuổi: 10-15 mg/kg, uống mỗi 4-6 giờ, tối đa 75/mg/kg/ngày. Không uống hơn 1g/4h và 4g/ngày từ tất cả mọi nguồn

Từ 12 tuổi trở lên dùng 325-650mg mỗi 4-6 giờ. Không uống hơn 1g/4h và 4g/ngày từ tất cả mọi nguồn

Liều dùng đối với thuốc hạ sốt Ibuprofen được khuyến cáo dùng như sau:

Trên 6 tháng: không dùng vì nguy cơ xuất huyết tiêu hoá và tổn thương thận. 

6 tháng- 11 tuổi: 5-10 mg/kg mỗi 6-8 giờ. Tối đa 40 mg/kg/ngày. Uống với thức ăn vì gây xót ruột.

Lớn hơn 12 tuổi: 200-400mg mỗi 4-6 giờ. Tối đa 1200 mg/ngày

Để phòng ngộ độc paracetamol bác sĩ Hưng khuyến cáo chỉ dùng khi cần, không nên dùng phòng ngừa hạ sốt.

Khi sử dụng thuốc, cần nhớ luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cho tất cả các loại thuốc. Nên tính trước liều của con để khi cần thì có sẵn, không lúng túng tính nhầm.

Tuyệt đối không sử dụng hai thuốc có thành phần hạ sốt cùng lúc vì có nguy cơ quá liều, một số thuốc cảm ho có sẵn thành phần hạ sốt trong đó, nếu uống thêm thuốc sốt sẽ thành uống gấp đôi, không uống quá liều được khuyến cáo.

Trường hợp thành phần là thuốc nước, nên đo chính xác bằng dụng cụ đo lường, không nên nhắm chừng, ghi lại liều lượng, số lần thuốc con đã uống. Không cần uống ibuprofen và acetaminophen cùng lúc để hạ sốt.

Một chú ý khi sử dụng thuốc hạ sốt an toàn, bác sĩ Dũng khuyến cáo thêm ở Việt Nam thường có dịch sốt xuất huyết nên khi chưa rõ sốt vì nguyên nhân gì thì nên sử dụng hạ sốt chứa paracetamol, không nên dùng thành phần hạ sốt Ibuprofen. Vì thành phần này có tác động giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu.

Chính vì thế, nếu dùng ibuprofen sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, làm cho việc xuất huyết không cầm được, sự rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn.