Sau khi được cứu sống và giải tỏa tâm lý, tinh thần bé Q. đã phấn chấn và vui vẻ hơn, ảnh BVNĐTP

Trưa 29/9, bác sĩ CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, bệnh viện đã cứu chữa cho bé T.T.L.Q. (11 tuổi, quê ở Tiền Giang) uống thuốc ngủ tự tử.

Bác sĩ CK1 Lê Thái Lộc - khoa Hồi sức chống độc nhớ lại: Khi chuyển đến bệnh viện, bé Q. đã hôn mê. Chức năng gan và thận bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thuốc ngủ.

Thực hiện các xét nghiệm liên quan, bệnh viện nhận thấy nhiều khả năng em đã uống loại thuốc ngủ có hoạt chất phenobarbital, thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp nên lập tức tiến hành giải độc cho bé. 

Sau gần 1 tuần điều trị, thải độc và kiềm hóa nước tiểu, bé Q. đã tỉnh táo, cai máy thở, bác sĩ tiếp tục nâng đỡ tinh thần cho bé.

Tâm sự với bác sĩ, Q. thỏ thẻ: "Con cảm thấy ba mẹ thương em gái út hơn. Ba mẹ cho em gái chơi điện thoại, ít la rầy. Con buồn nhất là lúc ba mẹ đã tổ chức sinh nhật cho em gái mà... quên sinh nhật của con. Khi đến trường học, các bạn lại trêu ghẹo da của con đen, không như bình thường và nghỉ chơi với con".

Nhớ lại ngày nghĩ quẩn, Q. nói: "Lúc đó trong túi con có 70.000 đồng tiền để dành, con ra tiệm thuốc tây năn nỉ cô bán thuốc bán cho con 1 lọ thuốc ngủ, con nói là mua cho ba mẹ của con. Về nhà, con trút lọ đó ra và uống, rồi không biết gì nữa cho đến khi các bác sĩ cứu sống con. Con thấy ba mẹ con lo lắng, khóc nhiều lắm nên con rất hối hận, con sẽ không làm chuyện dại dột này nữa".

Hiện tại, tinh thần bé Q. đã phấn chấn hơn, bé nhận ra ba mẹ cũng thương yêu bé như em gái, chỉ là em gái út còn quá nhỏ nên ba mẹ phải quan tâm nhiều hơn. Q. cũng vui cười nhiều hơn, cởi mở hơn với mọi người. 

Bác sĩ phân tích, trẻ tự tử thường rơi vào độ tuổi vị thành niên, nữ nhiều hơn nam. Các em bị áp lực học tập, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em... Khi các em không thể chịu đựng nổi nữa tìm đến cái chết để tự giải thoát, nhưng khi được cứu sống, hầu hết các em đều thấy hối hận.