Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số người thiệt mạng vì Covid-19 có thể lên tới 2 triệu người, gấp đôi hiện nay trước khi một loại vắc xin hữu hiệu được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Châu Âu
Liên minh châu Âu cảnh báo diễn biến dịch bệnh tại một số nước thuộc Lục địa già đang tồi tệ hơn nhiều so với đợt đỉnh hồi tháng 3-2020.
Tại Anh, lệnh giới nghiêm tại các quán bar bắt đầu có hiệu lực ở vùng England và xứ Wales nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Iceland xác nhận cụm 100 ca nhiễm mới tại nước này xuất phát từ hai du khách người Pháp không chấp nhận cách ly theo quy định dù đã có kết quả xét nghiệm dương tính.
Tại Pháp, Hiệp hội các bệnh viện công ở thủ đô Paris thông báo các ca phẫu thuật không khẩn cấp sẽ phải lùi ngày do số ca nhiễm Covid-19 đang tăng cao. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Pháp đã tăng hơn gấp đôi, từ 150 ca lên 330 ca, trong khi số ca phải điều trị tích cực tăng từ 50 ca lên 132 ca.
Tây Ban Nha đã đưa ra cảnh báo giai đoạn khó khăn hơn đang ở phía trước, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước này lên mức 735.198 trường hợp, trong đó có 31.232 ca tử vong. Vùng thủ đô Madrid hiện là "điểm nóng" dịch, chiếm 1/3 số ca phải nhập viện. Chính quyền thành phố đã áp đặt phong tỏa một phần tại nhiều quận có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Bồ Đào Nha tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch đến ít nhất là giữa tháng 10 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm theo ngày cả trong nước và nước ngoài gia tăng.
Bất chấp làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều nước châu Âu, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) cho biết nguy cơ hành khách nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên máy bay chở khách hiện nay "rất ít" nhờ các biện pháp phòng chống dịch. Số liệu của EASA cho thấy, trong những tuần gần đây, chỉ có 7 trong số 3 triệu lượt hành khách đi máy bay có biểu hiện nhiễm Covid-19 khi ở trên máy bay.
Châu Á
Trung Quốc cho biết, chương trình phát triển vắc xin ngừa Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này. Quốc gia đông dân nhất thế giới dự kiến khả năng sản xuất 610 triệu liều vắc xin vào cuối năm nay, tiến tới ít nhất 1 tỷ liều mỗi năm từ năm 2021.
Hiện nay, 11 loại vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó 4 loại đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 và cho kết quả khả quan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu 59 loại vắc xin khác.
Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị cho giai đoạn chống dịch then chốt khi dịp Trung thu, thời điểm người dân nước này thường về đoàn tụ với gia đình, đang tới gần.
Tại Indonesia, Jakarta đã quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 2 tuần. Trong khi đó, Thái Lan dự kiến rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh xuống còn 7 ngày bắt đầu từ tháng 11 tới nếu không phát hiện ca nhiễm Covid-19 từ nước ngoài trong tháng 10.
Châu Mỹ
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này đã ký hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin của AstraZeneca (Anh).
Hiệp hội Samba (LIESA) - Ban tổ chức lễ hội diễu hành Carnival 2021 nổi tiếng nhất của Brazil - đã quyết định hoãn sự kiện truyền thống này.
Ngày 25-9, Tổng thống Peru Martin Vizcarra thông báo nước này sẽ mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế tới một số nước kể từ ngày 5-10 tới sau 7 tháng buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, Peru sẽ nối lại đường bay tới Mỹ, Mexico, Tây Ban Nha và một số nước ở khu vực Mỹ Latinh.
Châu Phi
Ngày 25-9, WHO thông báo châu Phi đã thoát khỏi giai đoạn đỉnh dịch Covid-19. Văn phòng châu Phi của WHO có trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Congo cho biết trong 2 tháng qua, tốc độ lây lan vi rút SARS-CoV-2 tại châu lục này đã giảm đáng kể.
Tính riêng trong giai đoạn 4 tuần vừa qua, Lục địa đen chỉ ghi nhận 77.147 ca mắc Covid-19, thấp hơn nhiều so với 131.647 ca trong cùng quãng thời gian trước đó. Tính đến ngày 25-9, châu Phi ghi nhận 1.439.657 ca mắc Covid-19, trong đó có 34.706 trường hợp tử vong, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia và châu lục khác trên thế giới.
Lý giải cho hiện tượng này, WHO cho rằng mật độ dân số thấp, khí hậu nóng ẩm cùng cơ cấu dân số trẻ là những nguyên nhân giúp châu lục 1,3 tỷ dân này vượt qua giai đoạn đỉnh dịch. Theo WHO, 91% số ca mắc Covid-19 tại châu Phi nằm trong độ tuổi dưới 60, trong khi khoảng 80% số ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng.