Lực lượng thú y Hà Nội tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm. (Ảnh: LÂM NGUYỄN)

Hiện có 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 93 nghìn con gia cầm. Đơn cử như ở tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua qua, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại, hàng nghìn con gà, vịt bị tiêu hủy, khiến nhiều nông hộ lao đao.

Tại Đắk Lắk, có hai ổ dịch ở huyện Krông Pắk, phải tiêu hủy hơn 1.500 con gia cầm. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 51 địa phương, với hơn 1.150 ổ dịch, buộc tiêu hủy hơn 53 nghìn con lợn; có hơn 240 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, thành phố với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy…

Nguyên nhân là do tổng đàn vật nuôi lớn (tổng đàn gia cầm hơn 520 triệu con, đàn lợn hơn 28 triệu con, đàn gia súc ăn cỏ hơn 12 triệu con...) nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, nhận thức của nông hộ về chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế và chưa tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, điều kiện chăn nuôi của các nông hộ còn gặp nhiều khó khăn, trong khi giá trị kinh tế của con trâu, bò là khá cao, do vậy đã có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ gia súc bệnh.

Thời tiết diễn biến bất thường, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa hiện nay là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát sinh. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y còn nhiều bất cập như: một số động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch; việc kiểm soát giết mổ do người dân vận chuyển nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát…

Thông tin thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, những tháng cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên thị trường tăng mạnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể tăng cao.

Các chuyên gia cho rằng, để chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, các địa phương cần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định. Bố trí nguồn lực triển khai ngay việc rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh cho vật nuôi ở những địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt hơn 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh, có nguy cơ cao. Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lan ra.

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tuân thủ quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến.

Nhân rộng các nơi làm tốt, thí dụ như tại Nghệ An, với tổng đàn gia súc hơn 772 nghìn con, do tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine, cho nên thời gian qua bệnh lở mồm long móng đã được khống chế, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.

Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi cố gắng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.