Theo y học cổ truyền, thịt vịt là món ăn bổ dưỡng. Bổ sung thịt vịt vào bữa ăn hàng ngày giúp dạ dày khỏe mạnh và chữa các chứng bệnh về tiểu tiện, nóng trong người, giải độc. Ngoài ra, nguyên liệu này còn có tác dụng bổ âm, giúp trấn định tâm thần, tốt cho nam giới.

Bún măng vịt là món ăn với hương vị thơm ngon đặc trưng giúp giải nhiệt hiệu quả cho cả nhà ngày tiết trời ẩm ương, nắng nóng.

Nguyên liệu cho món bún măng vịt

1 con vịt

Tiết vịt

300 gram măng tươi

Gừng, tỏi, sả cây, hành tím, hành lá

Bún tươi

Gia vị: đường, nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu

Nguyên liệu cho món bún măng vịt - Ảnh minh họa: Internet

Cách làm món bún măng vịt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Vì thịt vịt có mùi hơi gắt nên bạn khử mùi bằng cách sau:

Trước tiên, rửa sạch vịt với nước muối pha loãng. Sau đó, đập dập một ít gừng chà sát lên mình vịt để khử mùi hôi rồi rửa lại với nước lạnh. Có thể thay gừng bằng rượu trắng để khử sạch mùi gắt của vịt.

Măng tươi rửa sạch, xắt sợi nhỏ rồi để ráo nước.

Lột bỏ vỏ già và phần ngọn của sả, đập đập rồi xắt thành khúc khoảng 3-4cm.

Hành tím, tỏi lột vỏ rồi giã nhuyễn.

Hành lá rửa sạch, xắt nhỏ. Gừng gọt sạch vỏ, đập dập.

Bước 2: Chế biến món bún măng vịt

Bắc lên bếp xoong nước, vặn lửa lớn nấu sôi sùng sục thì cho măng vào luộc. Khi nước sôi lên lần nữa thì vặn lửa vừa, nấu trong vòng 20 phút. Sau đó, vớt măng ra rửa với nước rồi để ráo.

Nấu 1 nồi nước sôi rồi cho vịt vào luộc cùng với gừng đã đập dập và một ít muối. Vặn lửa lớn, nấu đến khi nước sôi lên lần nữa thì nhanh chóng vớt sạch bọt và mỡ.

Sau đó, vặn lửa vừa nấu trong vòng 15 phút thì tắt bếp. Để thịt vịt trong nồi 10 phút mới vớt ra cho ngay vào nước đá lạnh khoảng 5 phút. Cách làm này giúp thịt vịt vừa chín tới, giữ được độ dai và vị ngọt tự nhiên và da không bị thâm đen.

Chặt vịt thành từng miếng vừa ăn. Lưu ý, đừng chặt nhỏ quá, miếng thịt sẽ bị vụn nát.

Đừng quên luộc chín phần tiết rồi cắt miếng.

Bắc chảo lên bếp, thêm vào 1 muỗng canh dầu ăn, cho hành, tỏi vào phi vàng và thơm thì đổ măng vào. Nêm một ít gia vị gồm: muối, đường, bột ngọt rồi đảo đều.

Tiếp đến, cho măng đã xào ngấm gia vị cùng hành lá vào xoong nước luộc vịt. Nấu sôi lên thì nêm lại gia vị cho vừa ăn và một ít nước mắm để nước dùng dậy hương thơm.

Nước chấm vịt là mắm gừng. Cách làm như sau:

Gừng lột vỏ, xắt thành từng lát mỏng rồi giã nhuyễn. Vắt bỏ phần nước, lấy xác gừng rồi tiếp tục giã với 2 trái ớt. Khi ớt đã nhuyễn thì thêm vào 4 muỗng cà phê đường, 2 muỗng canh nước mắm rồi khuấy đều. Như vậy nước mắm gừng đã làm xong. Yêu cầu nước chấm vịt phải có vị mặn, ngọt, cay, thơm nồng mùi gừng và không bị đắng.

Miếng thịt vịt hấp dẫn và nước mắm ngừng thơm lừng - Ảnh minh họa: Internet

Bước 3: Trình bày món bún măng vịt

Trụng bún cho vào tô, rồi xếp thịt vịt lên trên. Chan nước dùng xấp xấp mặt bún rồi thêm ít măng, rắc hành lá.

Bún măng vịt với nước dùng ngọt tự nhiên, miếng măng giòn sần sật, miếng thịt dai dai, mùi hương đặc trưng là một trong những món ăn được lòng cả nhà và giải nhiệt hiệu quả.

Bún măng vịt với nước dùng ngọt tự nhiên, miếng măng giòn sần sật, miếng thịt dai dai, mùi hương đặc trưng là một trong những món ăn được lòng cả nhà và giải nhiệt hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet