Gia tăng bệnh nhân đột quỵ 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết những ngày nắng nóng này, Khoa Cấp cứu A9 tiếp nhận vài chục bệnh nhân bị đột quỵ từ nặng tới nhẹ.

Trường hợp ông Nguyễn Đức V. (64 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, bệnh nhân yếu, liệt nửa người. Bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhồi máu não một thể của tai biến mạch máu não.

Ông V. nhanh chóng được các bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Sau 24 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định hơn. Các bác sĩ cho biết ông V. được đưa đi cấp cứu kịp thời nên cơ hội điều trị cao hơn.

Bệnh nhân bị đột quỵ điều trị tại BV Bạch Mai - Ảnh BVCC 

Khác với ông V., trường hợp bệnh nhân Vũ Văn X. (55 tuổi, Nam Định) bị xuất huyết não. Ông X. tiền sử đái tháo đường và đã bị đột quỵ 4 năm trước. Gần đây, thời tiết nắng nóng nhưng ông X. quên không uống thuốc huyết áp.

Sau khi cùng gia đình đi ăn cỗ cưới về, ông X. lên cơn đột quỵ và được đưa đi cấp cứu. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân không có dấu hiệu nên gia đình xin đưa bệnh nhân về quê.

PGS Chi cho biết nguy cơ đột quỵ, sốc nhiệt khi thời tiết nằng nóng luôn rình rập bất cứ ai, nhất là những người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém. Những năm qua ở Việt Nam, số người nhập viện vì đột quỵ tăng từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỉ lệ nam giới mắc gấp 4 lần nữ.

Theo bác sĩ Chi trong số bệnh nhân đột quỵ, có tới 80% bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Đa số họ đều không điều trị tăng huyết áp theo tư vấn của các bác sĩ.

Cần cấp cứu nhanh nhất 

Khi người bệnh có các dấu hiệu như đau đầu đột ngột, chân tay yếu một bên, có rối loạn ngôn ngữ, khó nuốt người nhà nên nghĩ tới đột quỵ đặc biệt bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường.

Với đột quỵ, PGS Chi cho biết nếu đến bệnh viện kịp thời thì cơ hội điều trị hiệu quả cao, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng.

Nắng nóng tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh minh họa: Internet

Còn đối với bệnh nhân đã để qua “giờ vàng” (dưới 4 tiếng) thì di chứng nặng nề, việc điều trị cũng khó khăn. Tại khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã thống kê chỉ khoảng 5 – 7% bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong khoảng thời gian giờ vàng.

Những người có nguy cơ bị đột quỵ là nam giới vì tỷ lệ nam giới hút thuốc lá, uống bia rượu nhiều hơn và đây cũng là yếu tố khiến số ca đột quỵ là nam giới vào viện tăng lên.

Không những thế, các bác sĩ cũng cảnh báo nguyên nhân gây đột quỵ khác đó là bệnh lý bẩm sinh phình mạch máu não gây chảy máu não bất cứ lúc nào nhưng bệnh nhân không biết.

Hiện bệnh phình mạch não chiếm 1,5% - 8% dân số.

Khi thấy những người xung quanh có dấu hiệu đột quỵ, người bên cạnh có thể hỏi nạn nhân để bệnh nhân biết có rối loạn ngôn ngữ nói ngọng, méo miệng hay không. Yêu cầu người bệnh giơ tay nếu tay yếu không giơ lên được. Để chẩn đoán và điều trị đột quỵ, bắt buộc phải đưa người bệnh vào cơ sở y tế có chuyên khoa điều trị đột quỵ.

Bác sĩ Chi nhấn mạnh tuyệt đối không tự ý cho người nghi ngờ đột quỵ ăn, uống thuốc gì. Đặc biệt, gần đây nhiều người thường tích trữ an cung ngưu hoàn hoàng trong nhà và khi thấy đột quỵ lấy ra cho nạn nhân uống, điều này rất nguy hiểm có thể gây nặng hơn cho bệnh nhân. Hơn nữa, khi bị đột quỵ, bệnh nhân rối loạn nuốt không thể nuốt được gì nếu cố tình cho uống nước, uống sữa, uống thuốc có thể gây sặc phổi.

Thời tiết không thuận lợi, khi quá nóng, quá lạnh tác động lên người bệnh gây ra nguy cơ đột quỵ phát huy, tác động bệnh nhân mạnh mẽ hơn nên người bệnh cần chú ý.

Bác sĩ Chi cho biết nguyên nhân đột quỵ chủ yếu là người bị tăng huyết áp. Vì thế, đề phòng đột quỵ trong thời tiết nắng nóng, bệnh nhân tăng huyết áp cần duy trì huyết áp ổn định. Tránh ra ngoài trời, đặc biệt vào thời điểm từ 12 giờ đến 16 giờ hàng ngày. Những người từng bị đột quỵ cần dự phòng tránh nguy cơ tái phát đột quỵ.