Tham quan du lịch dưới thời tiết nắng nóng tại Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) trong dịp nghỉ lễ - Ảnh: TIẾN QUỐC

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ngày 27-4, cả nước nắng nóng "kinh hoàng" khi nền nhiệt nhiều nơi lên trên 41 độ C, cao hơn ngày 26-4 từ 1-2 độ C.

Với nắng nóng đều khắp cả nước những ngày qua và những ngày tới, có thể nhận định đây là đợt nắng nóng hiếm gặp, thậm chí chưa từng xảy ra.

Nắng nóng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Trần Ngọc Lưu - khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết kỳ nghỉ lễ kéo dài việc di chuyển dưới thời tiết nắng nóng nếu không chú ý người lớn và trẻ em có thể dễ bị bệnh.

Đặc biệt nhóm bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa (viêm ruột, nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thực phẩm) do thời tiết nắng nóng vi khuẩn dễ xâm nhập vào thức ăn gây hư hỏng nhanh.

Đồng thời một trong những nhóm bệnh lây quan qua đường tiêu hóa là tay chân miệng.

Ngoài ra thời tiết nắng nóng có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, nhất là sốc nhiệt do sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng máy lạnh và ngoài trời.

Để phòng bệnh, bác sĩ Lưu khuyến cáo phụ huynh cần giữ vệ sinh tay cho trẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lau chùi bề mặt vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc.

"Người dân cần chú ý ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh tay (nên có sản phẩm rửa tay an toàn). Lưu ý rửa tay trước khi ăn, trước khi chuẩn bị thực phẩm cho trẻ. Đồng thời cần tránh ở ngoài trời lâu, nên cho trẻ chơi khu vực có bóng râm, uống đủ nước.

Khi đi từ môi trường nhiệt độ thấp đến nhiệt độ cao nên để cơ thể thích nghi dần bằng cách ngồi khu vực mát trước", bác sĩ Lưu nói.

Nắng nóng, chú ý tia UV

Bá sĩ Trần Thu Nga và bác sĩ Nguyễn Thị Quý - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết bức xạ tia cực tím (UV) cao có thể làm hỏng DNA (gen) trong tế bào từ đó có thể dẫn đến ung thư.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy ngoài ung thư da, tia UV có thể tác động đến sức khỏe và gây ra nhiều vấn đề khác như: Có thể gây cháy nắng hoặc khiến da bị lão hóa sớm gây nên các dấu hiệu như: nếp nhăn, da sần sùi, đốm nâu, dày sừng và giảm độ đàn hồi.

Tia UV cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt như: viêm hoặc bỏng giác mạc, chúng cũng có thể dẫn đến sự hình thành của bệnh đục thủy tinh thể và mộng thịt, cả hai đều có thể làm giảm thị lực.

Ngoài ra tia UV cũng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, do đó cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.

Hiệp hội Ung thư Mỹ đưa ra những khuyến cáo giúp bảo vệ làn da dưới tác động của ánh nắng mặt trời:

Nếu phải tham gia các hoạt động ngoài trời nên ở trong bóng râm/ tán cây, đặc biệt là vào những giờ giữa trưa, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10h sáng đến 4h chiều.

Che chắn khi đi ra ngoài, mặc quần áo dài tay và đội mũ có vành để bảo vệ da vùng đầu, mặt và cổ. Đeo kính râm để bảo vệ mắt và vùng da xung quanh mắt khỏi tia UV.

Lưu ý sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30 trước khi ra khỏi nhà 30 phút, bôi lại mỗi 2 giờ hoặc sau khi đi bơi/ đổ mồ hôi.