N.A.K. (15 tuổi, Bình Dương) được đưa vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chiều 27/12 trong tình trạng bị thương nặng ở cả hai bàn tay và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.

K. cho biết tai nạn xảy ra lúc 10h cùng ngày khi em tự chơi pháo và bị nổ trúng tay. Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vết thương phức tạp: dập nát bàn tay phải, gãy hở đốt gần ngón cái, tổn thương ngón II, III, IV bàn tay trái, cùng các vết xây xát ở mặt, cổ, hai gối và vai trái.

Hình ảnh X-quang vết thương bàn tay của nam sinh. Ảnh: BSCC.

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, cố định xương 1/3 dưới xương quay và đóng mỏm cụt cổ tay phải. Với tay trái, bệnh nhân được cắt lọc, kết hợp xương đốt gần ngón cái, khâu vết thương, nẹp bột, đồng thời chăm sóc các vết thương ở cổ, gối và vai.

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, cho biết tai nạn do pháo thường gia tăng khi Tết đến, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Dù việc buôn bán và chế tạo pháo đã bị cấm, cùng nhiều cảnh báo được đưa ra, năm nào cũng xảy ra những tai nạn thương tâm để lại di chứng nặng nề.

"Theo ghi nhận, tổn thương do pháo gây ra thường gặp ở hai bàn tay, cẳng tay (dập nát, gãy xương) và mắt (bỏng giác mạc, mù lòa). Trường hợp của bệnh nhân Khoa là một ví dụ điển hình với tổn thương nghiêm trọng, phải cắt cụt tay phải ngang cổ tay, gãy xương cẳng tay và mất ngón cái tay trái. Thương tật để lại không chỉ vĩnh viễn về thể xác mà còn gây ám ảnh tâm lý lâu dài," bác sĩ Khánh chia sẻ.

Để tránh tai nạn thương tâm do pháo, bác sĩ khuyến cáo người dân cần:

  • Nâng cao ý thức của người dân, tránh có thái độ lơ là, chủ quan về nguy cơ hiện hữu khi pháo nổ.
  • Không tàng trữ, sản xuất và tự chế tạo pháo.
  • Nhà trường và gia đình phải khuyến cáo, nhắc nhở các em học sinh, không bắt chước, học cách tự chế pháo, không tò mò mua nguyên liệu chế pháo trên mạng xã hội...
Tin liên quan