"Họ cho tôi ăn uống rồi tiêm tê, dùng kim bơm thuốc vào người. Suốt quá trình hút mỡ, tôi vẫn tỉnh táo và rất đau đớn. Khi tôi đau quá, không muốn làm nữa, họ vẫn làm tiếp".
N.T.T. (37 tuổi, ở Hà Nam) kể lại câu chuyện đi hút mỡ bụng của mình tại một spa ở Hà Nội với Tri Thức - Znews. Mất hơn 60 triệu đồng nhưng cái kết chị nhận được là vùng bụng hoại tử, chảy dịch, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, tưởng chừng không thể qua khỏi.
Đau đớn trên bàn hút mỡ
Trước khi sinh con, chị T. có vóc dáng mũm mĩm, nặng 60 kg với chiều cao gần 1,5 mét. Sau sinh, bà mẹ một con tăng cân không kiểm soát, cân nặng tăng 18 kg khiến chị rất tự ti, cơ thể nặng nề.
"Tôi đã thử nhiều cách để giảm cân nhưng không hiệu quả. Xem mạng xã hội, tôi vô tình thấy một quảng cáo hút mỡ rất hấp dẫn, cơ sở tư vấn không xâm lấn, chỉ tiêm tê. Tôi thấy đơn giản nên đồng ý làm, không lường trước được hậu quả", chị T. chia sẻ.
Người phụ nữ này cho hay khi vào phòng làm thủ thuật, có 3 người hút mỡ cho chị. Bản thân chị T. cũng không biết họ có phải là bác sĩ hay không, chỉ giới thiệu đã có nhiều kinh nghiệm hút mỡ nên tin tưởng.
"Trong hơn 2 giờ hút mỡ, tôi chỉ được tiêm tê, nhiều lần kêu đau quá không làm nữa nhưng họ vẫn tiếp tục làm. Hút xong, họ cho tôi xem số mỡ đã hút ra đầy 3 bình lớn, tổng hơn 7 lít mỡ. Sau đó, tôi được vệ sinh lại, uống thuốc rồi họ cho về mà không theo dõi thêm", nữ bệnh nhân 37 tuổi kể lại.
Đến ngày hôm sau, khi quay trở lại cơ sở thẩm mỹ, chị T. bắt đầu thấy mệt, chóng mặt và được chồng đưa về nhà. Các triệu chứng cứ tăng dần, nôn nhiều, không ăn uống được nhưng chị nghĩ rằng mình bị say xe nên không đi khám.
Hai ngày sau, chị T. nôn nhiều hơn, chóng mặt, dần mất nhận thức, sốt và ớn lạnh. Đến tối cùng ngày, quá lo cho sức khỏe của vợ, chồng chị T. quyết định đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ không đo được huyết áp cho bệnh nhân nên nhanh chóng chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
"Nằm trên xe cấp cứu, tôi lúc tỉnh lúc mê. Đến Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ vẫn không đo được huyết áp của tôi nên chuyển nhanh vào cấp cứu. Sau đó, tôi hôn mê. Khi tỉnh lại, tôi nghe bác sĩ nói tình trạng của mình rất tệ, cơ hội cứu sống nhỏ nhoi. Cứ thế, hai hàng nước mắt của tôi chảy ra vì quá sợ hãi", chị T. tâm sự.
Sau một tuần điều trị, nữ bệnh nhân tiếp tục được chuyển sang khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bệnh nhân nặng nhất từng tiếp nhận
Bác sĩ Hoàng Hồng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết chị T. nhập viện trong tình trạng bụng chướng to, hoại tử nhiều, chảy dịch, tổn thương sau biến chứng làm thẩm mỹ ở bên ngoài rất nặng, mới chỉ được điều trị sốc ở Bệnh viện Bạch Mai.
"Toàn bộ vùng hút mỡ là xung quanh bụng, mạng sườn, trên dưới rốn đều chảy dịch mủ hôi, len lỏi khắp nơi, hoại tử da rất nhiều và vùng tổn thương lớn. Chúng tôi phải cắt lọc tổng cộng 5 lần tổ chức hoại tử, thay băng, rút dịch nhiễm trùng ở thành bụng cho bệnh nhân", bác sĩ Hoàng Hồng nói.
Sau 2 tuần, tình trạng bệnh nhân mới tiến triển, không còn nguy cơ sốc nhiễm trùng, nhiễm độc. Vị chuyên gia đánh giá đây bệnh nhân bị biến chứng nặng nhất ông từng tiếp nhận, đã có lúc tình trạng của chị T. khó qua khỏi.
Theo bác sĩ Hồng, hiện nhân còn bị khuyết vùng da hoại tử rất rộng, cơ thể không đủ da để ghép. Phương án điều trị tiếp theo không thể đảm bảo tính thẩm mỹ, bác sĩ lấy da ở vùng khác ghép, che phủ phần khuyết cho bệnh nhân để phục hồi.
Hút mỡ bụng là phương pháp phổ biến nhất trong các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, ngay cả ở các nước trên thế giới và Việt Nam. Nếu thực hiện tốt, đúng kỹ thuật, tỷ lệ biến chứng rất thấp.
"Theo báo cáo trên 30.000 bệnh nhân của 27 viện nghiên cứu, tỷ lệ biến chứng của hút mỡ bụng chỉ khoảng 2,62 % (tất cả biến chứng như nhiễm trùng, viêm, tụ dịch, sốc, tắc mạch…). Tuy nhiên, đây là tỷ lệ khi được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình, ở bệnh viện được cấp phép", ông nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh nếu người làm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên sâu hay bác sĩ "tay ngang", tỷ lệ biến chứng không phải là 2,62% mà sẽ rất cao. Đơn vị này cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng do hút mỡ bụng tại các cơ sở không cấp phép từ nhẹ đến nặng.
Cuối năm, nhu cầu làm đẹp tăng cao so với thời gian khác trong năm. Thế nhưng, số lượng khách hàng tăng cũng tỷ lệ thuận với rủi ro biến chứng. Vì vậy, trước khi làm, người dân phải tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ, bác sĩ. Người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo chuyên sâu, bài bản về tạo hình thẩm mỹ. Người dân không nhẹ dạ tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội và bất chấp để làm đẹp, bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo.