Một bộ test COVID-19 tại nhà thường gồm ống đựng mẫu, nút đậy ống, khay test, que lấy mẫu và dung dịch chiết test. 

Theo báo cáo thu thập từ một số bang của Mỹ, dung dịch thử nghiệm trong ống chiết test có chứa natri azua - một chất có thể gây ngộ độc. 

 Bộ test tại nhà có thể gây hại như thế nào?

Theo báo cáo do USA Today đăng tải, cuối tháng 2, Trung tâm Thông tin Thuốc và Chất độc của Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati (Mỹ) ghi nhận một số trẻ nuốt phải hóa chất trong lọ chiết ở bộ test nhanh COVID-19. Một số người đã nhầm lẫn lọ chiết này với lọ thuốc nhỏ mắt và sử dụng nhỏ vào mắt, mũi, gây kích ứng hoặc bỏng rát. Trẻ nhỏ có thể vô tình nuốt phải chất chứa trong lọ nhưng báo cáo chưa ghi nhận trường hợp nào gặp biến chứng nguy hiểm. 

Nên tránh để dung dịch chiết test dính lên ra hay để trẻ vô tình nuốt phải. Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho biết natri azua là một hóa chất không màu, không vị và không mùi, chủ yếu được sử dụng trong túi khí cứu nạn trên ô tô và làm chất diệt khuẩn, chất bảo quản tại các bệnh viện. Trong kit test COVID-19, chính hóa chất này kích hoạt phản ứng hóa học, giúp phát hiện sự hiện diện của vi rút.

Điều gì xảy ra khi bạn nuốt phải hóa chất này?

Mặc dù các kit test đều có hướng dẫn rõ ràng về cách sử dụng, nhưng vẫn có khả năng một người vô tình làm đổ dung dịch, dính vào da hay nuốt phải hóa chất độc hại chứa bên trong. Theo các chuyên gia, natri azua là một hóa chất độc hại và thậm chí một liều lượng cực thấp của nó cũng có thể tạo ra độc tính. Ngay cả một phần nhỏ của chất này dính trên da có thể dẫn đến kích ứng da. Cảm giác nóng rát mắt hoặc mũi cũng thường xảy ra sau khi tiếp xúc với các hóa chất này. Nuốt phải nó có thể dẫn đến chóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh và huyết áp thấp.

Bạn nên làm gì nếu tiếp xúc với hóa chất?

Đừng chủ quan nếu thấy xuất hiện các triệu chứng cảnh báo sau khi sử dụng bộ test tại nhà. Đây là một tình huống cần can thiệp y tế ngay. Nếu mắt, da hoặc mũi của bạn bị kích ứng sau khi sử dụng bộ test, hãy rửa sạch đúng cách trong vòng 15 đến 20 phút bằng nước ấm. Trường hợp nguy hiểm là khi nuốt phải số lượng lớn, có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 không chứa lượng nhiều natri azua đủ để gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Lưu ý

Mặc dù bộ test COVID-19 tại nhà chỉ chứa một lượng nhỏ hóa chất độc hại nhưng cũng không nên chủ quan. Theo các báo cáo, các trường hợp ngộ độc từ bộ test đang tăng lên tại Mỹ. Ở một số nước khác chưa có báo cáo cụ thể về các trường hợp ngộ độc này nhưng cũng nên thận trọng khi sử dụng.