Vai trò của nước trong thai kỳ

So với khi bình thường, mẹ bầu cần uống nhiều nước hơn trong thai kỳ khoảng 0,5 lít nước. Điều này có nghĩa là lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là 2 lít thì giờ đây mẹ cần uống 2,5 lít.

Nước có vai trò cực kỳ quan trọng trong sức khỏe thai kỳ. Khi mẹ bầu uống đủ nước sẽ giúp cho lượng nước ối quanh bào thai không thiếu hụt, đảm bảo môi trường phát triển cho bé. Ngoài ra, khi mẹ bầu đi tiểu nhiều cũng giúp giảm các nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp trong thai kỳ.

Nhu cầu tăng cao của lượng máu trong thời kỳ bầu bí cũng diễn ra nhịp nhàng hơn khi mẹ bầu uống đủ lượng nước cần thiết. Uống đủ nước giúp cho cơ thể mẹ bầu điều tiết được nhiệt độ và tránh mất nước khi đổ mồ hôi quá nhiều. Chứng phù nề thường gặp ở mẹ bầu cũng được cải thiện đáng kể khi mẹ bầu uống nhiều nước.

Tại sao không nên uống nước trái cây thay nước lọc khi mang thai?

Nước ép trái cây vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa có tác dụng giải nhiệt, cung cấp vitamin, muối khoáng cho cơ thể, bà bầu uống vào sẽ không sợ phát phì. Nhiều bà bầu vẫn có quan niệm uống nước ép trái cây thay nước lọc, đây là thói quen không tốt.

95% thành phần của nước ép trái cây là nước, ngoài ra, còn có đường trái cây, đường gluco và vitamin tùy theo loại quả. Những loại đường này có thể nhanh chóng tiêu hóa, nhưng vẫn khiến thai phụ tăng cân mà không có lợi cho con, hơn nữa dùng nhiều dễ dẫn đến bệnh tiểu đường. Do đó, trong những ngày bụng bầu nặng nè mà trời oi bức, bà bầu chỉ nên uống từ 300 đến 500 ml nước hoa quả mỗi ngày.

Bên cạnh đó, khi uống nước trái cây vào mùa hè, thai phụ cần lưu ý không nên uống nước ép vào buổi sáng sớm, khi đói bụng, hay trước bữa ăn. Bởi một số loại quả chứa lượng nhỏ axit sẽ phản ứng dữ dội với dịch dạ dày gây đau bụng, trướng bụng, khó chịu, chán ăn. Không nên pha trộn sữa với nước ép trái cây, bởi hàm lượng axit tartaric trong trái cây sẽ phản ứng với protein trong sữa, gây trở ngại cho quá trình hấp thụ.