Tỷ lệ người qua khỏi sau khi ngừng tuần hoàn ngoại viện tại Hà Nội chỉ đạt 0,4%. Ảnh: mat_napo.

Mới đây, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 56 tuổi, trú tại Hà Nội trong tình trạng hôn mê, ngừng tim.

Trước khi vào viện 10 phút, người đàn ông chơi bóng chuyền ở gần Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Người này đột ngột kêu đau ngực và đổ gục xuống sân bóng. May mắn, những đồng đội chơi cùng phát hiện được tình trạng ngừng tim, nhanh chóng sơ cứu ép tim và chuyển ông tới bệnh viện cấp cứu.

May mắn sống sót

Qua khai thác thông tin từ gia đình, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Tuy nhiên, mỗi ngày, ông hút tới một bao thuốc lá.

Tại khoa Cấp cứu, ê-kíp trực nhanh chóng triển khai đội hồi sinh tim phổi, thực hiện ép tim, sốc điện, đặt ống nội khí quản, dùng thuốc chống loạn nhịp.

Sau 15 phút, bệnh nhân có mạch trở lại, có nhịp tự thở. Ngay sau khi có mạch trở lại, bệnh nhân được đánh giá huyết động, ghi điện tim, siêu âm tim cấp tại giường.

Người đàn ông may mắn qua cơn nguy kịch sau khi ngừng tim. Ảnh minh họa: olga_kononenko.

Các kết quả thể hiện hình ảnh điển hình của nhồi máu cơ tim cấp. Đây là được đánh giá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng ngừng tuần hoàn ở trường hợp này. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sau khi hội chẩn đã thống nhất chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu cho người bệnh.

Sau 20 phút, người bệnh được đưa lên phòng can thiệp mạch. Các bác sĩ xác định yếu tố gây ra ngừng tuần hoàn ở người đàn ông này là huyết khối gây tắc động mạch vành trái.

Sau can thiệp, người bệnh được chuyển về phòng hồi sức tích cực. Các bác sĩ tiếp tục hạ thân nhiệt người bệnh xuống 33 độ C để bảo vệ não, song song với kiểm soát huyết động tối đa.

May mắn, sau 2 ngày điều trị, ý thức của người bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, cơ hội sống cao với tổn thương thần kinh tối thiểu.

Nỗ lực để tăng tỷ lệ 0,4%

Theo nghiên cứu đa trung tâm của khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được đăng trên tạp chí Y học Quốc tế, nếu không may một người bị ngừng tuần hoàn ngoại viện (ở Hà Nội), cơ hội sống và quay lại cuộc sống hàng ngày chỉ là 0,4%.

Các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực khẳng định có 3 yếu tố cốt lõi có thể nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện

Thứ nhất là yếu tố ngoại viện. Người bệnh ngừng tuần hoàn ngoại viện cần được người chứng kiến phát hiện và ép tim kịp thời... Đây là bước đầu tiên mang lại cơ hội sống và giúp não của người bệnh được tưới máu dù với lưu lượng tối thiểu.

Nếu chỉ 5 phút không được ép tim, não của người bệnh có thể tổn thương không hồi phục được. Thậm chí một số trường hợp sau đó được cứu nhưng sẽ để lại di chứng nặng nề, có thể sống thực vật suốt đời.

Theo các chuyên gia, hệ thống cấp cứu ngoại viện ở Việt Nam cũng như ở các nước có thu nhập thấp còn rất nhiều hạn chế. Đây là lý do hầu hết người bệnh ngừng tuần hoàn ngoại viện không được ép tim trước khi đến viện, dẫn đến tỷ lệ sống thấp.

Thứ hai là hồi sinh tim phổi chất lượng cao tại đơn vị cấp cứu. Các đơn vị cấp cứu cần xây dựng những đội CPR (hồi sức tim phổi) chất lượng cao, thực hiện dưới sự chỉ huy của một người, với từng vị trí được phân công rõ ràng từ trước.

Mô hình Pit Crew trong đua xe công thức 1 có thể áp dụng với việc cấp cứu ngừng tuần hoàn nhằm tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: Sportskeeda.

Mặt khác, đội CPR này cần được diễn tập nhiều lần. Mục đích là khi có bệnh nhân thực tế, từng cá nhân sẽ phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, chuyên nghiệp.

Đây là Pit Crew CPR (tương tự Pit Crew Cars trong các đội đua xe công thức 1, đội sửa xe chỉ cần chưa đầy một phút để thay xong lốp cho chiếc xe đua).

Thứ ba là hồi sức sau ngừng tuần hoàn. Những bệnh nhân ngừng tuần hoàn được cấp cứu có mạch trở lại cần được hồi sức đặc biệt ở những đơn vị hồi sức tích cực chuyên sâu.

Bước này giúp giải quyết triệt để nguyên nhân, tối ưu hóa bảo vệ não và các tạng sau ngừng tuần hoàn.