Miền Bắc trở lạnh, cẩn trọng với bệnh viêm phổi
Đặc biệt, viêm phổi là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến.
“Thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp
Thời điểm giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh sinh sôi phát triển, nhất là vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu khuẩn, não mô cầu, H. influenzae, tụ cầu, liên cầu, vi nấm…
Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền mạn tính, suy giảm miễn dịch… là những nhóm dễ mắc bệnh và có nguy cơ diễn biến nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm, quá trình điều trị kéo dài, lâu phục hồi sức khỏe và tốn kém.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra có tỷ lệ mắc cao thứ 3 trên thế giới. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 20 - 25%, chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển. Phế cầu gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa, viêm xoang và viêm phế quản.
Trong đó, viêm phổi trong cộng đồng (CAP) do Streptococcus pneumoniae là một trong những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng và phổ biến nhất ở cả trẻ em và người lớn trên toàn thế giới. Người mắc bệnh có thể gặp phải những di chứng nặng nề suốt đời như giảm chức năng phổi và suy giảm sức khỏe phổi lâu dài.
Theo thống kê, phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là thủ phạm nguy hiểm và thường gặp nhất gây viêm phổi ở nhóm này. Bệnh gây tử vong từ 10 - 20% và 50% ở nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già.
Phế cầu khuẩn thường trú trong hầu họng người, được lây truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi). Đồng thời, lây lan khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.
Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa - Hệ thống Tiêm chủng VNVC, việc điều trị viêm phổi do phế cầu đã và được coi là vấn đề nhức nhối đối với ngành y tế. Bởi, phế cầu là vi khuẩn có độc lực mạnh, có khả năng gây vỡ hồng cầu và xâm nhập gây chết tế bào.
Phế cầu khuẩn đang gia tăng mức độ đề kháng kháng sinh, cần phải chọn lựa kháng sinh liều cao và phối hợp 2 - 3 loại kháng sinh. Đặc biệt, nếu bệnh cảnh viêm phổi nặng nề. người bệnh có thể phải dùng đến 3 loại kháng sinh, phối hợp cùng lúc. Ngoài ra, thời gian điều trị có thể kéo dài, với chi phí tốn kém.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30% trường hợp viêm phổi do nhiễm virus, đứng thứ 2 sau vi khuẩn. Có rất nhiều loại virus gây bệnh như virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, cảm lạnh và cảm cúm, virus SARS-CoV-2 gây Covid-19…
“Hiện nay, virus SARS-CoV-2 là tác nhân nguy hiểm nhất gây viêm phổi xâm lấn. Trong đó, virus có thể làm hỏng phế nang và khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, có thể dẫn đến sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) – một dạng suy hô hấp nghiêm trọng.
Từ đó, khiến người bệnh phải can thiệp điều trị khẩn cấp, chạy ECMO (tim – phổi nhân tạo), thậm chí gây tử vong nhanh chóng”, bác sĩ Chính cho biết.
Tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập
Trước bối cảnh cao điểm dịch bệnh về đường hô hấp hiện nay, viêm phổi do Covid-19 có xu hướng nặng hơn các dạng viêm phổi khác, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, biến chứng nặng nề và kéo dài ở một số người.
Trong khi đó, viêm phổi do phế cầu khuẩn thường diễn tiến rất nhanh, để lại nhiều di chứng nguy hiểm đến tính mạng, bao gồm: Hội chứng suy hô hấp cấp tính, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm phổi hoại tử và nhiễm trùng huyết.
Nếu may mắn được điều trị khỏi, người bệnh cũng có nguy cơ cao mắc biến chứng mù, điếc, liệt và chậm phát triển tâm thần kinh… Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 3 triệu trẻ em mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong do vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae là do biến chứng viêm phổi, cao gấp hơn 100 - 1.000 lần so với tỷ lệ tử vong bởi nhiễm trùng huyết. Tử vong do nhiễm khuẩn huyết cao gấp 10 lần so với viêm não mủ. Tử vong do viêm tai giữa cao gấp 1.000 - 10.000 lần so với viêm não mủ.
GS Ngô Quý Châu - Phó Tổng Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam cho biết, khi trời trở lạnh, thay đổi nhiệt độ lớn khiến cơ thể không thích nghi kịp, đường thở dễ bị viêm nhiễm.
Người không có bệnh nền cũng có nguy cơ dễ bị ốm, viêm mũi, viêm họng, phế quản, phổi. Trong khi đó, với người có bệnh nền, phản ứng của đường thở rất nhạy. Khi hít không khí lạnh đột ngột, những người này cũng có thể bị bệnh. Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp càng làm bệnh nhân dễ bị mắc các đợt cấp nặng hơn.
Chuyên gia giải thích, nhiệt độ lạnh khiến mọi người thường ít ra ngoài, cửa đóng kín, không khí môi trường trong nhà dễ bị ô nhiễm, vừa lạnh vừa tù túng. Đó là những yếu tố khiến các vi khuẩn và virus dễ phát triển hơn. Vào mùa Đông, ngày ngắn hơn, ánh sáng ít đi, cùng với việc đóng kín cửa, khiến không khí không được làm sạch.
Trong khi đó, ánh sáng là tác nhân khử khuẩn rất tốt. Do đó, các bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, viêm mũi họng, xoang, dễ xâm nhập. Để giảm tác động, phải giữ ấm, ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
“Theo WHO và các nghiên cứu, một số người từng mắc Covid-19 sẽ bị triệu chứng hậu Covid. Thậm chí, triệu chứng tồn tại sau mắc Covid 3 tháng. Covid gây ảnh hưởng toàn thân, nhưng đặc biệt là phổi. Ảnh hưởng nghiêm trọng có thể là xơ phổi, rối loạn đông máu, tắc mạch phổi”, chuyên gia cho biết.
Do đó, theo GS Ngô Quý Châu, người từng mắc Covid-19 phải được theo dõi, tầm soát. Đồng thời, làm những thăm dò để đánh giá phổi, hệ tim mạch. Từ đó, có kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....