Mẹ phải làm gì khi trẻ bị viêm phế quản phổi?
Nội dung bài viết:
- Viêm phế quản phổi là bệnh gì?
- Vì sao trẻ bị viêm phế quản phổi?
- Yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em
- Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản phổi
- Trẻ bị viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
- Cách chữa trẻ bị viêm phế quản phổi
- Trẻ bị viêm phế quản phổi bao lâu thì khỏi?
- Kế hoạch chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi
- Phòng bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ
Viêm phế quản phổi là bệnh gì?
Viêm phế quản phổi là bệnh lý tổn thương cấp tính đường hô hấp, phản ứng viêm xảy ra ở các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang, mô kẽ phế quản và rải rác cả hai phổi.
Bệnh thường do virus gây ra, sau đó bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai. Vi khuẩn xâm nhập qua đường hô hấp là chủ yếu, ngoài ra vi khuẩn còn qua đường máu, bạch huyết.
Vì sao trẻ bị viêm phế quản phổi?
Nguyên nhân do virus chiếm 60-70%, gây bệnh theo mùa dịch, hay gặp là virus hợp bào hô hấp, cúm, Á cúm, Adenovirus… Nguyên nhân thứ hai là do vi khuẩn, gặp nhiều ở các nước đang phát triển, thường gặp là phế cầu, tụ cầu, liên cầu và các loại vi khuẩn gram âm khác.
Các tác nhân này gây ra hiện tượng viêm ở phổi, nhất là phế nang. Quá trình viêm này làm tăng tiết dịch rỉ ứ đọng ở các phế nang, làm giảm sự trao đổi Oxy ở phế nang. Bên cạnh đó còn gây phù nề đường thở, gây tắc nghẽn và gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ.
Yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em
Tuổi: Hay gặp ở trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi nhất là trẻ sơ sinh.
Cân nặng khi sinh: Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp (<2500g), suy dinh dưỡng bào thai.
Tình trạng dinh dưỡng ở trẻ: Trẻ dinh dưỡng kém, không được bú mẹ, còi xương.
Mắc các bệnh mãn tính đường hô hấp: Viêm mũi họng, hen suyễn… hoặc sau các bệnh nhiễm trùng khác như: sởi, ho gà, cúm…
Cơ địa: Thể trạng tiết dịch, cơ địa dị ứng.
Thời tiết: Gặp nhiều về mùa lạnh, thay đổi thời tiết, độ ẩm cao.
Ô nhiễm môi trường: Khói bếp, bụi, nhà ở chật chội, bệnh viện.
Suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Sử dụng máy thở.
Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản phổi
Triệu chứng viêm phế quản phổi thường không đặc trưng, rất giống với các bệnh viêm phổi khác. Triệu chứng ban đầu tương tự như cúm, nhưng sẽ trở nặng sau vài ngày.
Giai đoạn đầu: Sốt nhẹ, tăng dần hoặc sốt cao, mệt mỏi, trẻ quấy khóc, khó chịu, kén ăn, không chịu ngủ. Các dấu hiệu viêm long đường hô hấp trên: Ngạt mũi, chảy nước mũi, ho. Có thể rối loạn tiêu hóa: Nôn trớ hay tiêu chảy. Các dấu hiệu ở phổi chưa có biểu hiện rõ ràng.
Giai đoạn phát bệnh:
Sốt 38-39 độ C, sốt xuất hiện đột ngột hoặc là từ từ. Một số trường hợp trẻ không sốt hoặc có thể hạ thân nhiệt, hay gặp ở trẻ sơ sinh hoặc suy dinh dưỡng nặng. Một số trường hợp nặng có tình trạng nhiễm độc: Da tái, mệt mỏi, khô môi, lưỡi bẩn.
Ho: ho từng tiếng riêng lẻ hay thành cơn, lúc đầu ho khan, sau đó ho có đờm (chứng tỏ bộ phận hô hấp bị tổn thương). Ho là triệu chứng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh nhiễm bệnh.
Khạc đờm: Giai đoạn sau thường có khạc đờm, đờm trắng, dính. Triệu chứng này ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện.
Khò khè: Một số trường hợp có thể có khò khè nhưng âm độ thấp.
Khó thở, tức ngực: Nhịp thở tăng nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng, đầu gật gù theo nhịp thở, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp phụ. Nhịp thở nhanh ở trẻ được tính khi:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: lớn hơn 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi: lớn hơn 50 lần/phút.
- Trẻ từ 1 - 5 tuổi: lớn hơn 40 lần/phút.
Trường hợp nặng: Trẻ tím tái tùy mức độ. Vị trí tím tái khác nhau như lưỡi, quanh môi, đầu chi. Rối loạn nhịp thở, cơn ngừng hô hấp... nếu có viêm phổi nặng.
Trẻ bị viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Trẻ bị viêm phế quản phổi là do hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa hoàn chỉnh. Trẻ còn rất yếu nên không đủ khả năng chống lại các vi khuẩn xâm nhập. Đó cũng là lý do khiến bệnh ở trẻ chuyển biến nhanh hơn, nặng hơn so với người lớn.
Bởi vậy khi phát hiện các triệu chứng kể trên ở trẻ, cha mẹ cần cho con đi khám và điều trị bệnh ngay, tránh các biến chứng nguy hiểm. Bé bị viêm phế quản phổi có thể dẫn đến rối loạn trao đổi khí, có nguy cơ suy hô hấp và dễ dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Tùy theo nguyên nhân gây viêm phế quản phổi mà các biến chứng khác nhau, một số biến chứng thường được nhắc đến nếu không điều trị kịp thời là: áp xe phổi, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận và các biến chứng trên tim mạch như: suy tim, đau tim, rối loạn nhịp tim.
Cách chữa trẻ bị viêm phế quản phổi
Trẻ bị viêm phế quản phổi phải làm sao? Viêm phế quản phổi được điều trị theo 4 nguyên tắc sau đây:
Chống nhiễm khuẩn: Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ cân nhắc kê kháng sinh. Nếu nguyên nhân do virus, có thể kê đơn kháng virus hoặc chỉ điều trị triệu chứng.
Chống suy hô hấp: đặt trẻ ở nơi thoáng mát yên tĩnh, tránh di động nhiều. Mặc quần áo rộng rãi thoải mái. Làm thông thoáng đường thở, thở oxy khi có khó thở, tím tái.
Điều trị các rối loạn nước điện giải: trẻ thường mất nước nhiều do sốt, thở nhanh và đôi khi còn kèm theo tiêu chảy, vì vậy cần bổ sung nước điện giải đầy đủ bằng đường uống, dung dịch Oresol hoặc bằng đường tĩnh mạch.
Điều trị biến chứng (nếu có): chống rối loạn tim mạch, phát hiện sớm các rối loạn tim mạch để điều trị kịp thời bằng thuốc trợ tim.
Trẻ bị viêm phế quản phổi bao lâu thì khỏi?
Viêm phế quản phổi sẽ khỏi trong vòng vài tuần, phụ thuộc vào yếu tố như: loại tác nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng, sức đề kháng của trẻ, chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi.
Kế hoạch chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi
Trẻ bị viêm phế quản phổi nên làm gì cho con nhanh khỏi, giảm bớt khó chịu là băn khoăn của không ít bậc cha mẹ đang chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi:
Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, khô ráo và tránh gió lùa
Hạ nhiệt độ cho trẻ nếu có sốt trên 38 độ C dùng Paracetamol theo cân nặng của trẻ với liều 10–15mg/kg cân nặng, 6 giờ dùng 1 lần đến khi hạ sốt <38 độ C thì ngừng. Tuyệt đối không dùng paracetamol vượt quá liều 100 mg/kg trong vòng 24 giờ.
Làm thông thoáng đường thở, cho trẻ nằm đầu cao, hút dịch mũi họng sạch sẽ hoặc nhỏ mũi 2-3 giọt nước muối sinh lý và làm sạch mũi cho trẻ.
Cho trẻ nhập viện sớm khi trẻ: Khó thở, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp, không bú hoặc bỏ ăn. Phát hiện và điều trị sớm các các nhiễm khuẩn hô hấp cấp và mạn tính
Dùng kháng sinh: Tùy theo các chủng vi khuẩn gây viêm phế quản phổi mà trẻ mắc phải theo chỉ định của bác sĩ.
Theo dõi nhiệt độ sáng, chiều. Theo dõi nhịp thở và tinh thần của trẻ.
Trẻ bị viêm phế quản phổi có nên tắm không? Không nhất thiết phải tắm nhưng cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ, nhất là ở các hốc, kẽ tay chân, hốc nách, bẹn.
Chế độ ăn cho trẻ bị viêm phế quản phổi: Uống nhiều nước hoa quả tươi, ăn thức ăn dễ tiêu như sữa, cháo, bột… Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, không ăn kiêng, cho trẻ bú đủ lượng sữa mẹ nếu trẻ vẫn chưa ăn dặm.
Nơi ở của trẻ thoáng mát lưu thông không khí tốt, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, nới rộng quần áo, tã lót.
Phòng bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ
Để loại bỏ bớt yếu tố nguy cơ, ngay khi mang thai, các mẹ nên tuân thủ đúng các chỉ dẫn tránh sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Khi trẻ sinh cần được chú ý công tác vô khuẩn khi đỡ đẻ và chăm sóc cho trẻ, đảm bảo môi trường sạch sẽ, thoáng mát.
Nên cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ không tự bú thì cần hút sữa ra bình hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài khi mẹ không có sữa.
Tiêm chủng theo chương trình tiêm mở rộng cho trẻ em theo đúng quy định.
Cách ly trẻ với các trẻ đang mắc bệnh dễ lây nhiễm hoặc hạn chế mang trẻ đến các khu vực truyền nhiễm trong mùa dịch bệnh.
Giữ ấm cho trẻ và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ đặc biệt vào những ngày thời tiết chuyển mùa hoặc lạnh đột ngột.
Trẻ hay bị viêm họng, viêm amidan, viêm mũi thì phải chú ý điều trị dứt điểm.
Tránh xa khói thuốc lá, hạn chế ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác, mang khẩu trang cho trẻ.
Hãy chăm sóc trẻ bị viêm phế quản phổi ngay từ giai đoạn đầu để tránh các dấu hiệu nặng và khó chữa, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Cha mẹ cần chú ý các biểu hiện của con để biết cách đối phó. Khi không thể tự chăm sóc con ở nhà thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để nhận được định hướng điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...