Mẹ mang thai 37 tuần mà không hề biết, đau bụng đẻ lại tưởng ngộ độc thức ăn
Khi mang thai, ngay từ tuần thứ 32 nhiều bà mẹ đã bắt đầu "rục rịch" chuẩn bị cho ngày đón bé chào đời. Vậy nhưng với bà mẹ 2 con Crystal Gail Amerson (29 tuổi, sống tại Florida, Mỹ), ngày sinh em bé thứ 2 đến một cách nhanh chóng và bất ngờ tới nỗi cô còn nhầm tưởng là đống thức ăn trong bụng đang "gây họa".
4 giờ sáng chủ nhật (ngày 25/3), Crystal thức giấc bởi cơn đau bụng đột ngột. Cơn đau dai dẳng khiến cô phải chạy đi chạy lại giữa phòng ngủ và phòng vệ sinh trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ.
"Tối hôm trước tôi có ăn đồ Trung Quốc nên tôi nghĩ mình bị lạ bụng hoặc ngộ độc thực phẩm", Crystal cho biết.
Tới hơn 5 giờ sáng, Crystal gọi cho công ty để xin nghỉ làm và 1 tiếng sau, vì cơn đau ngày càng dữ dội nên cô đã gọi xe cấp cứu.
"Những cơn đau ở vùng dạ dày ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí tôi không đi nổi. Tôi gọi cấp cứu và khoảng 6 giờ 30 thì xe đến. Khi họ đến, tôi gần như đã ngất đi, không biết chuyện gì xảy ra nữa vì quá đau", Crystal kể lại.
Trên xe cấp cứu, các bác sĩ đã phát hiện ra một sự thật bất ngờ. Những món ăn Trung Quốc mà Crytal ăn không hề có vấn đề gì, thực chất cô đang mang thai hay đúng hơn là đã đến thời điểm sinh con.
6 giờ 59 phút, Crystal đã sinh bé Oliver James ngay trên xe cứu thương. Em bé chào đời an toàn với cân nặng 2,3kg và dài 54,7cm. Theo tính toán, khi chào đời Oliver mới được khoảng 37 tuần tuổi.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Crystal không phát hiện ra mình mang thai cho đến tận ngày đẻ. Thậm chí cô còn cho biết mình đã từng mang thai và sinh em bé một lần.
Tuy nhiên, Crystal chia sẻ cô không hề có những dấu hiệu điển hình của phụ nữ mang thai, chẳng hạn như ốm nghén, tăng cân hay phù chân tay.
"Tôi có tăng cân một chút nhưng trước nay cân nặng vẫn lúc lên lúc xuống nên tôi không để ý lắm. Khi mang bầu bé đầu thì cơ thể tôi cũng không thay đổi nhiều, thậm chí nhiều người còn không nhận ra tôi đang mang thai", Crystal tâm sự.
Bác sĩ Julie DeCesare, bác sĩ sản khoa phụ sản tại Bệnh viện Sacred Heart cho biết cũng có những trường hợp bà mẹ đến tận trước khi sinh vài tiếng mới biết mình mang thai.
"Đôi khi có những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều nên họ không nhận thấy dấu hiệu mất kinh điển hình của mang thai. Hoặc cũng có thể họ sử dụng biện pháp tránh thai nên không hề nghĩ đến chuyện có bầu khi thấy những thay đổi trên cơ thể", bác sĩ Julie nói.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho rằng việc Crystal không nhận thấy chuyển động của em bé trong bụng là hơi bất thường.
"Thông thường, khoảng 20 tuần là mẹ có thể thấy rõ bé chuyển động. Với những mẹ mang bầu lần 2 hay lần 3 thì chỉ khoảng 12-14 tuần đã có thể cảm nhận được chuyển động của bé. Nếu mang bầu lần đầu thì có thể thời điểm sẽ muộn hơn một chút".
Vậy nhưng sau tất cả, chuyện quan trọng nhất là cả Crystal và bé Oliver đã trải qua "ca vượt cạn" bất ngờ thành công. Hiện Oliver đang phải nằm trong lồng ấp nhưng bác sĩ cho biết tình hình cậu bé khá ổn định và sẽ sớm được ra ngoài.
Đặc biệt, Crystal cho biết dù cô không bị ngộ độc thực phẩm nhưng cũng sẽ tạm tránh xa đồ ăn Trung Quốc một thời gian vì có thể chính chúng đã kích thích tử cung, khiến cô sinh sớm.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi nào vợ tôi cần tiêm vaccine uốn ván? Độc giả Minh Thuận
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tiên, duy trì suốt đời.
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa. Tôi nghi ngờ bà nhiễm sán, xin hỏi bác sĩ bệnh có những dấu hiệu cụ thể nào? Độc giả Minh Đăng
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.