"Di cư" về quê sau vụ cháy nhà máy

"Nhà em đang nằm trong khu báo động đỏ của ô nhiễm sau khi nhà máy Rạng Đông bị cháy. Em cần mua máy lọc không khí, chị em đã dùng loại nào thấy ổn review cho em với ạ. Em cần mua gấp trong ngày hôm nay. Con bé nhà em đang bị chân tay miệng không đi học lại đang nhà nữa chứ". 

Lời "cầu cứu" của chị Kiều Oanh, một người dân sống gần khu vực cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông trên một diễn đàn đã thu hút sự chú ý của các thành viên. Nhiều người còn khuyên chị nên thải độc bằng các loại thức uống. 

Chị Oanh cho biết chị đang tìm khắp nơi để mua máy lọc không khí nhằm giảm phần nào độc hại. Hiện chị đã cho con nhỏ về quê để tránh mối nguy nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy quá lớn. 

Bà nội trợ lên mạng tìm mua máy lọc không khí vì lo nhiễm độc thủy ngân. Ảnh chụp màn hình.

Bể nước trong khu nhà không có bể hở nên không quá lo lắng về nguồn nước tuy nhiên, nhà có con nhỏ, lại đang bị ốm nên chị cảm thấy vô cùng lo lắng. 

Sau khi lùng sục khắp nơi để mua máy lọc không khí, chị chốt phương án cho con "di cư" về quê, còn mình thì bám trụ lại Hà Nội vì bận công việc. 

Những ai nên đi xét nghiệm thủy ngân ngay?

Chiều nay 30/8, Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay các bác sĩ đã tiếp nhận 12 người đến khám, kiểm tra sức khỏe.

Biểu hiện ban đầu của những người này là đau đầu, chóng mặt sau khi đứng gần đám cháy. Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ kết luận sức khỏe của những người này không có dấu hiệu đặc biệt. Một số xét nghiệm khác đang được tiến hành.

Theo bác sĩ Nguyên, thuỷ ngân được sử dụng trong cuộc sống rất nhiều, nếu cháy vỡ trong nhiệt độ cao sẽ bốc hơi nhiều có nguy cơ gây ngộ độc. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên,  Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thu Hà

Trường hợp hít phải thuỷ ngân kim loại, trong vòng vài giờ, người bệnh sẽ có biểu hiện nôn mửa, đau đầu,...

Nạn nhân cần được đưa ra khỏi môi trường ô nhiễm, nếu dính hoá chất vào các bộ phận trên cơ thể cần dùng nước để rửa sạch. Bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân cấp tính cần được điều trị ngay, tránh trở thành ngộ độc mạn tính.

"Khi có các triệu chứng nôn mửa, đau đầu, tiêu chảy... người dân cần tới cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm nước tiểu, máu. Đây là xét nghiệm có thể xác định được cơ thể có bị nhiễm độc thuỷ ngân hay không trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ.

Người tham gia trực tiếp chữa cháy có nguy cơ cao bị nhiễm độc thủy ngân bao gồm lính cứu hỏa, công nhân, người dân, phóng viên tác nghiệp hiện trường là những người cần được thăm khám sớm khi có biểu hiện bất thường như khó chịu, ho nhiều, tức ngực, nôn mửa, tiêu chảy, tê chân tay...

Người dân ở khoảng cách xa, không hít phải hơi nóng, nguy cơ sẽ thấp hơn, chưa cần đi khám để tránh lãng phí. Chỉ cần chủ động theo dõi sức khỏe tại nhà và thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường", Thạc sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.