Mới đây, BND phường Hạ Đình - nơi giáp ranh nơi nhà kho bị cháy đã phát đi cảnh báo sau đám cháy kho bóng đèn phích nước, tồn dư khói bụi, không khí nhiễm bẩn đã gây ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn.
UBND phường khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ.
"Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày", thông báo nêu.
Tổ dân phố, phường thông báo tại khu dân cư đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đến bệnh viện ngay.
Những bộ quần áo nhiễm khói bụi từ đám cháy cần được ngâm xà phòng nóng 70-80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả bằng nước sạch nhiều lần.
Khu vực ngoại cảnh gồm bể nước, cây cối ban công, tường cửa cần được vệ sinh bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần, và rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.
Thông báo này đang làm dấy lên mối lo lắng của người dân về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy quá lớn. Thực phẩm, nguồn nước, không khí nhiễm thủy ngân độc hại thế nào là câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này.
Bác sĩ Trần Vũ Quang, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết thủy ngân là một kim loại có dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Nhìn thủy ngân bề ngoài giống như hạt cườm hoặc viên bi (giọt nước) màu trắng bạc. Thủy ngân lỏng đôi khi được gọi là thủy ngân kim loại hoặc thủy ngân nguyên tố.
Thủy ngân lỏng bốc hơi dễ dàng vào không khí, ngay cả ở nhiệt độ phòng, để tạo thành hơi (khí) thủy ngân.
"Theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), tiếp xúc thuỷ ngân ở lượng thấp (dưới 5mg) có thể gây ra các hiện tượng run, thay đổi tính tình, bị mất ngủ, mệt mỏi cơ bắp, và chứng nhức đầu. Nếu tiếp xúc ở liều lượng cao hoặc tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến chứng đần độn, thay đổi nhân cách, điếc, mất trí nhớ, thậm chí là hủy hoại nhiễm sắc thể; các tế bào thần kinh, não, và thận cũng sẽ bị hủy hoại nặng. Thủy ngân độc hại này còn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của bào thai và trẻ em...", bác sĩ Trần Vũ Quang cho hay.
Vì thế, bóng đèn tiết kiệm điện chứa một lượng nhỏ thủy ngân khi cháy sẽ gây nguy hiểm.
Thủy ngân được gắn kín bên trong bóng đèn. Một bóng đèn thường chứa chưa đến 4mg (khoảng bằng đầu bút bi). Bóng đèn huỳnh quang dài, hay bóng đèn tuýp cũng chứa một lượng nhỏ thủy ngân.
"Nếu bóng đèn không bị nứt vỡ, chúng thường được tái chế ở cơ sở tái chế.
Khi cháy nổ bóng đèn ở kho nhà máy, thủy ngân lỏng có thể phân tách thành những hạt nhỏ và có thể lăn ra xa.
Thủy ngân cũng có thể bốc hơi bay vào không khí. Tùy vào sức đốt chảy của ngọn lửa thì càng phát tán ra xa, gây nguy hiểm cho khu dân cư đang sinh sống gần đó. 3000m2 nhà kho công ty bóng đèn Rạng Đông đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong suốt 5 tiếng chiều tối ngày hôm qua, cuốn phăng theo hàng nghìn chiếc bóng đèn tiết kiệm điện cùng với lượng lớn thuỷ ngân đã bị đốt cháy bốc hơi vào không khí, đất và nước", bác sĩ Vũ Quang lo ngại.
Trả lời trên báo Vnexpress, PGS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá việc phường Hạ Đình cảnh báo "không dùng thực phẩm nuôi trồng trong bán kính một km tính từ vụ cháy" là phù hợp.
Tất cả các loại chất này phát tán với nồng độ cao sẽ gây hại sức khỏe con người với các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở... Trong đó, thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác.
"Một vài bóng đèn compact, huỳnh quang vỡ cháy không gây ảnh hưởng nhưng hàng vạn bóng đèn cùng vỡ sẽ gây tác động rõ ràng. Tôi cho rằng cần có khảo sát sớm về số lượng bóng đèn bị vỡ, hàm lượng thủy ngân trong mỗi bóng bao nhiêu để người dân yên tâm, tránh gây hoang mang", PGS Côn nói.