Sau ngày cưới, vợ muốn ra ngoài sống nhưng mẹ tôi phản đối rất gay gắt. Bà cho rằng nhà chỉ còn một mẹ một con, sau này nương tựa vào nhau, tại sao lại để mẹ sống lẻ loi khi về già. Không được mẹ chồng chấp nhận, vợ tôi không cãi lại nhưng cũng từ đó cô ấy ghi hận trong lòng.

Sau khi sinh con, vài lần vợ và mẹ tôi cãi nhau về cách chăm sóc trẻ nhỏ, thế là cô ấy thuê luôn một người giúp việc về. Chị ấy tên Oanh làm việc trong gia đình tôi đến nay cũng được 10 năm.

Là đàn ông, tôi chỉ chú tâm đến chuyện kiếm tiền, còn chuyện mẹ chồng nàng dâu, tôi rất ít can dự vào. Bởi mẹ và vợ đều là người tôi thương yêu nhất, tôi đứng ra bảo vệ ai cũng sợ mất lòng người ấy. Trong nhiều trường hợp, cả mẹ và vợ đều có lý, chỉ là 2 thế hệ cách xa nhau nên có suy nghĩ khác nhau.

Từ ngày chị Oanh đến làm, tôi thấy vợ nói chuyện với chị ấy còn nhiều hơn với mẹ chồng. Tôi chưa bao giờ thấy vợ vui vẻ cười nói với mẹ nhưng lại cười sảng khoái với người làm. Lúc đó tôi cho là 2 người hợp tuổi nhau nên dễ nói chuyện.

2 tuần trước, chị Oanh bị sốt xuất huyết và phải nhập viện điều trị. Tôi rất bất ngờ khi vợ cắt phép một tuần để chăm sóc chị ấy. Suốt những ngày người làm nằm viện, vợ tôi luôn túc trực ở bên cạnh, còn việc nhà giao phó hoàn toàn cho mẹ và chồng. Cô ấy bận rộn đến nỗi chẳng quan tâm đến việc học hành của các con nữa.

 

Từ ngày chị Oanh đến làm, tôi thấy vợ nói chuyện với chị ấy còn nhiều hơn với mẹ chồng. (Ảnh minh họa)

Thấy vợ tận tình với người làm nên tôi cũng vào viện thăm hỏi và chất vấn cô ấy:

“4 năm trước, mẹ nằm viện một tuần, em vẫn miệt mài đi làm, đẩy việc chăm sóc mẹ cho người làm. Vậy mà lần này chị Oanh nằm viện, em lại nghỉ việc ở bên phục vụ cả ngày lẫn đêm. Phải chăng em coi trọng người làm hơn mẹ chồng. Anh thấy thật sự thất vọng về cách đối xử thiên vị này”.

Vợ thanh minh:

“Chị Oanh bị sốt xuất huyết rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng, không có người thân bên cạnh. Chị ấy mà chết ở gia đình mình thì chúng ta mang tiếng cả đời. Vì vậy em phải ở bên chăm sóc tích cực để chị tai qua nạn khỏi”.

Tình cảm mà vợ tôi dành cho chị Oanh chỉ có thể là chị em ruột. Nhưng bố mẹ vợ tôi chỉ có vợ tôi và một cậu em trai làm gì có người con nào nữa đâu. Để làm rõ mối quan hệ của 2 người phụ nữ, chủ nhật vừa rồi, tôi ngồi nói chuyện riêng với vợ về chị Oanh.

Lúc đầu vợ quanh co không chịu nói, tôi định xin vài sợi tóc của 2 người đi làm xét nghiệm ADN, bởi tôi không muốn bị vợ lừa dối bất kỳ chuyện gì.

Tôi định xin vài sợi tóc của 2 người đi làm xét nghiệm ADN, bởi tôi không muốn bị vợ lừa dối bất kỳ chuyện gì. (Ảnh minh họa)

Có lẽ sợ tốn tiền và sợ bị gắn mác lừa dối chồng nên vợ cũng chịu thú nhận sự thật. Cô ấy nói:

“Chị Oanh là con riêng của bố em. Khi em học cấp 3 thì chị ấy đến gặp bố em để nhận cha con nhưng bị ông hắt hủi. Còn mẹ em uất ức quá nằm liệt giường nhiều ngày liền.

Em thấy chị Oanh rất đáng thương, lúc nhỏ không có bố, lớn chút thì mất mẹ, phải tự bươn chải để sống, không có người thân bên cạnh. Sợ yêu nhầm người như mẹ nên chị ấy không lấy chồng mà sống độc thân.

Thương hoàn cảnh éo le của chị Oanh nên em giấu bố mẹ và thường xuyên qua lại với chị ấy. Chính vì vậy mỗi lần ông bà ngoại ở quê ra chơi, em toàn phải cho chị Oanh ở nhà trọ vài ngày để khỏi chạm mặt 2 người. Tránh ông bà gây lộn với nhau”.

Không ngờ nhà vợ lại có bí mật lớn đến vậy, thế mà 10 năm nay tôi không hề hay biết. Người bố vợ mà tôi luôn tôn trọng ngưỡng mộ là người quá tệ bạc, dám làm không dám chịu trách nhiệm. Cũng may vợ tôi là người hiểu chuyện không hắt hủi con riêng của ông mà bao dung chị Oanh. Từ ngày biết được bí mật của vợ, tôi thanh thản hơn và quý trọng người làm nhiều hơn.

Tin liên quan