Tôi năm nay 27 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội cùng chồng và con gái 2 tuổi. Mới đây, khi mẹ chồng về quê, hai vợ chồng tôi vì bận rộn nên đã gửi con đi trẻ. Tuy nhiên, do sức đề kháng kém nên sau 2 tuần đến lớp, bé bị nổi nhiều mụn nước ở miệng và chân tay, tôi cho bé đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng.

Từ hôm đó, vợ chồng tôi rất lo lắng. Tôi xin nghỉ hẳn việc để ở nhà chăm con. Dù bác sĩ dặn nên vệ sinh cho bé sạch sẽ nhưng mẹ chồng tôi ở quê cứ gọi điện bảo: “Bé bị thế cần kiêng gió, kiêng nước. Kiêng chừng nào, tốt chừng đó. Kiêng cho tới khi bé khỏe thì thôi”. Khi tôi nói: “Mẹ ơi. Nhưng bác sĩ dặn cần vệ sinh sạch sẽ”, mẹ chồng tôi lại gắt: “Tôi nuôi chồng cô và 3 đứa em nữa, chẳng nhẽ, tôi bày sai cho cô?”.

Đã thế, mẹ chồng còn gọi điện bảo chồng tôi “canh vợ” tuyệt đối không được cho tôi tắm cho con. Giờ tôi hoang mang quá, thấy con ngứa ngáy, gãi sột soạt suốt ngày tôi không khỏi thương con. Giờ tôi phải làm sao đây? Có nên kiêng tắm cho con? (Nguyễn Hải Hà, Thái Bình).

Liệu tôi có nên kiêng tắm cho con? 

BÁC SĨ NHI KHÁNH HÀ TƯ VẤN:

Chào Hải Hà, việc kiêng tắm cho trẻ là sai lầm của nhiều bậc cha mẹ. Bởi bệnh tay chân miệng do 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây nên, khi mắc bệnh, bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Thông thường, khi trẻ nhiễm bệnh, chân tay miệng sẽ bắt đầu xuất hiện các mụn nước, khoảng 7-10 ngày, các mụn nước sẽ khô lại và đóng vảy.

Cũng chính vì lý do đó, các bậc cha mẹ e ngại, sợ rằng việc tắm rửa cho bé sẽ khiến các mụn nước bị vỡ ra và dẫn tới nhiễm trùng. Dù thế, các bậc cha mẹ vẫn nên tắm gội bình thường để đảm bảo vệ sinh cho con. Việc không tắm rửa thường xuyên, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó, dẫn tới những bệnh khác gây nên biến chứng nguy hiểm.

Quá trình tắm gội cần lưu ý, khi tắm gội cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chọn phòng kín, tránh gió. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên chọn loại xà bông diệt khuẩn tốt dành cho làn da nhạy cảm của bé. Cùng với đó, khi tắm nên cố gắng tránh để nước không chạm vào các nốt mụn khiến chúng bị vỡ ra.

Các bậc cha mẹ cũng cần biết rằng, bệnh lây lan rất nhanh và chủ yếu qua đường tiêu hóa. Vì thế, khi trẻ bị mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Ngoài việc tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho bé, các bậc cha mẹ nên chú ý một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp với thể trạng của mẹ. Đồng thời, nên cách ly trẻ với những bé khác để tránh lây nhiễm, nếu bé đang đi học, bố mẹ nên cho bé nghỉ ở nhà để chăm sóc tốt hơn. Đồng thời theo dõi sát sao, nếu bé có biểu hiện bất thường, nên cho bé đến bác sĩ kiểm tra ngay.