Tay chân miệng là bệnh do virus đường ruột thuộc nhóm Enterovirus gây nên. Bệnh lây nhiễm từ người thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp sử dụng vật dụng, đồ dùng nhiễm khuẩn từ dịch tiết ra từ mũi, họng của họ. Đồng thời, bệnh có diễn biến vô cùng nguy hiểm và cho đến hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, điều này gây nên tâm lý lo lắng ở các bà bầu vì không biết tay chân miệng có ảnh hưởng đến thai nhi?
Dấu hiệu bà bầu bị chân tay miệng
Tùy theo từng mức độ của bệnh thì bà bầu sẽ có những dấu hiệu khác nhau của bệnh tay chân miệng. Trong đó, một số dấu hiệu thường thấy nhất là: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, da, trên lòng bàn tay hoặc chân xuất hiện các nốt phỏng nước, khi chạm vào có cảm giác đau rát và có dịch bên trong. Nặng hơn thì sẽ bị phát ban trên da, tạo những đốm nâu màu đỏ tương tự với làn da bị rộp, bỏng nhẹ. Thậm chí, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các vấn đề thần kinh, hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.
Bà bầu bị bệnh tay chân miệng có ảnh hưởng xấu đến thai nhi?
Hiện tại, vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mẹ bầu bị chân tay miệng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, bệnh cũng không gây ra các biến chứng nguy hiểm khi mang thai như thai chết lưu, sảy thai hay dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ khiến sức khỏe của mẹ bầu suy kiệt nghiêm trọng.
Không chỉ vậy, chứng sốt cao khi bị chân tay miệng còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Do vậy, tuy bệnh không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi nhưng mẹ bầu cũng không được chủ quan mà lơ là tình trạng bệnh. Khi bị bệnh, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị, không gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở bà bầu
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng khi mang thai, các mẹ nên tham khảo một số lưu ý sau:
Thường xuyên rửa tay trực tiếp dưới vòi nước bằng xà phòng trước và sau khi ăn hay đi vệ sinh.
Thực hiện ăn chín uống sôi, rửa sạch các loại thực phẩm trước khi chế biến.
Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi.
Vệ sinh và khử trùng sạch sẽ môi trường sống và những nơi có khả năng xuất hiện virus tay chân miệng.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với những người bị tay chân miệng, đồng thời cũng nên tránh xa những vật dụng, đồ dùng nhiễm khuẩn từ dịch tiết ra từ mũi, họng của họ.
Nếu mẹ bầu đang chăm sóc người bị bệnh tay chân miệng thì nên sát trùng niêm mạc miệng như dùng nước muối 0,9%, Kamistad hoặc dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
Tăng cường chế độ dinh dưỡng để phòng bệnh tay chân miệng, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin để giúp gia cố hệ miễn dịch của cơ thể.