Mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa vào những ngày nắng nóng?
Cơ chế điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện như người lớn. Đó là lý do vì sao các bé rất dễ bị nóng trong người hoặc bị hạ thân nhiệt nhanh. Có rất nhiều mẹ ủ ấm trẻ quá mức dẫn đến bé bị nóng, mất nước, nổi nhiều nốt mẩn trên da, mệt mỏi và thậm chí còn bị sốc nhiệt.
Một số chuyên gia khuyên rằng, mẹ cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa đúng cách sẽ giúp trẻ ngủ ngon hơn, giảm tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Tuy nhiên, sử dụng điều hòa như thế nào là đúng cách để bé luôn khỏe mạnh?
Nhiệt độ thích hợp cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Đây là một thắc mắc lớn của không ít bà mẹ khi cho bé nằm điều hòa. Tuy nhiên trên thực tế, nhiệt độ thực trong phòng mới chính là yếu tố mà mẹ cần chú ý.
Đa số bà mẹ đều nghĩ rằng, nhiệt độ trên máy lạnh cũng là nhiệt độ phòng. Điều này là hoàn toàn sai lầm, đôi khi nhiệt độ hiển thị trên máy lạnh là 23 độ C nhưng nhiệt độ phòng thực tế chỉ có 19 độ C mà thôi. Vì vậy, khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa, các bà mẹ nên trang bị thêm một nhiệt kế đo nhiệt độ phòng.
Về vấn đề nhiệt độ phòng bao nhiêu là tốt nhất đối với trẻ sơ sinh, hiện nay có 2 quan điểm vẫn chưa được thống nhất.
Theo nhiều chuyên gia, nhiệt độ phòng lý tưởng cho trẻ sơ sinh dao động là từ 23 đến 26 độ C. Tuy nhiên, khi áp dụng mức nhiệt độ này, mẹ nên cho trẻ mặc đầy đủ quần áo dài tay và chú ý quan sát trẻ, đề phòng bé quá nóng hoặc quá lạnh.
Cụ thể, làn da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi bé không được mặc quần áo thì mức nhiệt độ 26 độ C cũng khiến bé lạnh run giống như một người lớn không mặc quần áo ở 0 độ C.
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, nhiệt độ phòng lý tưởng cho trẻ sơ sinh nên dao động từ 26 đến 28 độ C là tốt nhất. Do đó, tùy theo điều kiện cụ thể của môi trường và biểu hiện của bé mà mẹ có thể điều chỉnh nhiệt độ một các linh hoạt nhất.
Chú ý đến độ ẩm khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa
Điểm hạn chế lớn nhất của máy điều hòa không khí là dễ làm mất đi độ ẩm trong phòng. Điều này khiến cho niêm mạc mũi của em bé bị khô và dễ gây chảy máu mũi.
Vì vậy, nếu muốn sử dụng máy điều hòa cho trẻ sơ sinh, mẹ nên sử dụng quạt thông gió để đảm bảo luân chuyển không khí trong phòng, đảm bảo không khí không bị khô và bí.
Nếu gia đình không lắp quạt thông gió thì máy tạo độ ẩm trong phòng là một lựa chọn lý tưởng, tuy nhiên lại khá tốn kém.
Tránh thổi hơi lạnh trực tiếp vào người trẻ sơ sinh
Khi cho trẻ sơ sinh nằm điều hòa, mẹ không nên để cơ thể bé tiếp xúc trực tiếp với luồng khí lạnh tỏa ra. Điều này sẽ khiến bé nhanh chóng bị lạnh và còn có thể mắc bệnh về đường hô hấp.
Để tránh hơi lạnh trực tiếp tác động đến bé, mẹ có thể mặc nhiều lớp quần áo khác nhau cho bé, chọn quần áo mỏng, mềm mại dễ chịu cho bé cử động thoải mái thay vì chọn những chất liệu quần áo dày cộm.
Lưu ý, khi cho trẻ nằm điều hòa, mẹ phải đảm bảo quần áo bao phủ hoàn toàn cánh tay và cẳng chân của bé. Sử dụng nón, bao tay, bao chân cho bé. Sử dụng chăn mỏng, chất liệu thấm hút mồ hôi và cố định mép chăn sao cho chăn không phủ lên mặt của trẻ.
Tuy nhiên, những điều này không thật sự cần thiết nếu mẹ đã điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức vừa phải đối với bé con.
Vệ sinh máy điều hòa thường xuyên
Máy lạnh có thể là một nguồn phát tán vi khuẩn, siêu vi trùng gây bệnh nếu không được vệ sinh thường xuyên. Do đó, sau mỗi 1 đến 3 tháng, các bà mẹ nên thực hiện vệ sinh máy lạnh một lần.
Dưỡng ẩm da cho trẻ sơ sinh
Không khí khô do máy điều hòa gây ra có thể khiến da bé bị khô, sần và nứt nẻ. Vì vậy, khi dùng máy lạnh thường xuyên, mẹ nên bôi kem dưỡng ẩm dành riêng cho làn da của trẻ sơ sinh.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Mẹ cần lưu ý mỗi khi đưa trẻ từ phòng máy lạnh ra môi trường nóng ấm bên ngoài. Bé cần một khoảng thời gian để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.
Do đó, mẹ nên tắt máy điều hòa từ trước và để cơ thể bé từ từ làm quen với nhiệt độ ấm dần lên, sau đó mới mang bé ra bên ngoài phòng.
Trẻ sơ sinh nằm điều hòa đúng cách sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, ngủ ngon và giảm đáng kể nguy cơ bị sốc nhiệt do nóng. Các bậc phụ huynh nên chú ý sử dụng đúng cách để bé yêu được thoải mái và phát triển khỏe mạnh.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.